Những đặc điểm này đã khiến Javelin trở thành vũ khí được lựa chọn để đẩy lùi các cuộc tấn công của xe tăng trong không gian đô thị. Người điều khiển Javelin có thể bí mật tiếp cận và tấn công một mục tiêu trong bối cảnh đó. Lực lượng Ukraine đặt kỳ vọng vào các vũ khí này trong bối cảnh xe tăng của Nga đang di chuyển nhằm hướng Kiev từ ngày 1/3.
Vừa tháng 1 năm nay, Mỹ đã chuyển giao số vũ khí trị giá 200 triệu USD cho Ukraine, bao gồm 300 tên lả Javelin. Mới đây, hôm 26/2, Washington phê duyệt viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine sau khi Nga mở chiến dịch tấn công.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã không cung cấp Javelin cho Ukraine vào thời điểm Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Nhưng dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington đã đảo ngược chính sách, quyết định trang bị vũ khí này cho Kiev.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quốc phòng của Nga ở mức 61,7 tỷ USD vào năm 2020, xếp thứ 4 trên thế giới. Trong khi đó, Ukraine chỉ chi 5,9 tỷ USD cho quốc phòng trong cùng năm.
Quân đội Nga có thể huy động 900.000 quân nhân tại ngũ trong khi Ukraine chỉ có 196.000 quân thường trực. Nga có 15.000 xe quân sự bọc thép, bao gồm cả xe tăng, gấp 5 lần con số mà Ukraine sở hữu.
Nói cách khác, về lý thuyết, Ukraine sẽ không thể kháng cự lại Nga nếu cả hai quốc gia áp dụng cùng một cách tiếp cận quân sự. Nhưng lúc này vũ khí hạng nhẹ tiên tiến, có thể gây sát thương đáng kể cho thiết bị của đối phương, đang là con át chủ bài của Kiev. Mỹ và các quốc gia châu Âu đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí như vậy.
Đức, và một số nước khác, đã quyết định cung cấp những vũ khí loại này, chẳng hạn như tên lửa đất đối không Stinger và tên lửa chống tăng vác vai. Anh được cho là đã cung cấp NLAW, hệ thống tên lửa chống tăng thế hệ tiếp theo được phát triển cùng với Thụy Điển.
Ba Lan đang chuẩn bị chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không di động sản xuất nội địa PZR Grom. Estonia, Latvia và Lithuania (Litva) cũng đã gửi tên lửa vác vai tới Ukraine.
Tuy vậy, theo Tướng Kiyofumi Iwata, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản, sự hiện diện của tên lửa Javelin và các loại vũ khí hạng nhẹ khác không thể bù đắp cho khả năng quân sự vượt trội của Nga.
Tháng 6/1989, một hợp đồng trị giá 30 triệu USD nhằm nghiên cứu phát triển Javelin cho quân đội Mỹ đã được trao cho liên doanh gồm hai nhà thầu tiền thân của Raytheon và Lockheed-Martin. Javelin đã được thử nghiệm thành công vào năm 1994 và lô tên lửa Javelin đầu tiên được đưa vào biên chế từ năm 1996 thay thế tên lửa chống tăng M47 Dragon.
Javelin có tên đầy đủ là FGM-148 Javelin - là tổ hợp tên lửa chống tăng vác vai hoạt động theo nguyên lý "bắn và quên" hiện đại nhất hiện nay, vượt trội về cơ chế điều khiển hơn so với nhiều loại tên lửa, kể cả Kornet của Nga, có thể bắn từ vai người lính mà không cần giá phóng.
Tên lửa FGM-148 Javelin được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép của đối phương, nhưng cũng phát huy hiệu quả khi tấn công trực tiếp các tòa nhà, công sự. Nó nặng 11,8 kg, dài 1,2 m, đường kính thân 127 mm, với tầm bắn hiệu quả từ 75 - 2.500 m, tầm bắn tối đa gần 5.000m tùy phiên bản.
Đầu đạn Javelin thuộc kiểu 2 đầu nổ chuyên phá giáp phản ứng nổ (ERA) được trang bị trên xe tăng hiện đại. Đầu nổ thứ nhất sẽ kích hoạt khối ERA bên ngoài để lộ ra lớp giáp chính của xe tăng để đầu nổ thứ hai xuyên phá với sức xuyên 650 mm thép đồng nhất.
Một điểm độc đáo là đầu đạn sử dụng chất nổ mạnh HEAT của Javelin tiêu diệt các xe tăng hiện đại bằng cách tấn công từ trên cao - nơi lớp giáp mỏng nhất, được thiết kế để giảm trọng lượng xe.
Tên lửa Javelin được Lục quân, Thủy quân Lục chiến Mỹ và Lực lượng đặc biệt Australia sử dụng với nhiều mục đích khác nhau và đã chứng minh hiệu quả trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, trong các hoạt động chống phiến quân ở Afghanistan, cũng như các hoạt động tác chiến ở Syria.