Động thái của các nền tảng công nghệ
Theo tờ New York Times, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã trở thành một khoảnh khắc địa chính trị quyết định đối với một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Nền tảng của các tập đoàn này đã trở thành chiến trường lớn cho cuộc chiến thông tin song song với cuộc chiến trên thực địa. Dữ liệu và dịch vụ của các tập đoàn đã trở thành những liên kết quan trọng trong cuộc xung đột.
Ngày 25/2, các nhà lãnh đạo Ukraine đã kêu gọi Apple, Meta và Google hạn chế các dịch vụ ở Nga. Sau đó, Google và Meta (công ty sở hữu Facebook) đã cấm các phương tiện truyền thông nhà nước Nga bán quảng cáo trên nền tảng của mình. Ông Sundar Pichai, Giám đốc điều hành Google, cũng đã trao đổi với các quan chức UE về cách xử lý thông tin giả liên quan cuộc xung đột.
Cùng lúc đó, Telegram (một ứng dụng nhắn tin được sử dụng rộng rãi ở Nga và Ukraine) đã cảnh báo đóng cửa các kênh liên quan đến chiến tranh ở Ukraine vì xuất hiện tràn lan thông tin sai. Trong tuần này, Twitter cho biết họ sẽ gắn nhãn tất cả các bài đăng có chứa liên kết của các tờ báo nhà nước Nga. Còn Meta và YouTube cho biết họ sẽ hạn chế quyền truy cập vào một số tờ báo Nga trên khắp EU.
Đối với nhiều công ty công nghệ, cuộc chiến ở Ukraine là cơ hội để khôi phục danh tiếng sau khi đối mặt với nhiều vấn đề về quyền riêng tư, vị trí thống trị thị trường và phát tán nội dung độc hại, gây chia rẽ. Họ có cơ hội chứng tỏ mình có thể sử dụng công nghệ một cách hiệu quả chưa từng thấy kể từ Mùa xuân Arab năm 2011 - khi mạng xã hội kết nối các nhà hoạt động và được coi như một công cụ vì dân chủ.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ phải đối mặt với những quyết định khó khăn. Bất kỳ bước đi sai lầm nào cũng có thể phải trả giá đắt, tạo thêm động lực cho châu Âu và Mỹ điều chỉnh hoạt động kinh doanh hoặc khiến Nga ra lệnh cấm hoàn toàn.
Các giám đốc điều hành tập đoàn công nghệ đang phải suy nghĩ, tính toán trước khi ra quyết định về những việc phải làm. Nếu Google, Meta, Twitter thực hiện một số động thái này mà không phải những động thái khác, họ có thể bị buộc tội làm quá ít và nửa vời. Tuy nhiên, nếu hạn chế quá nhiều dịch vụ và thông tin, họ cũng có thể khiến người Nga bình thường không thể sử dụng nền tảng của mình.
Bà Yael Eisenstat, một thành viên tại Viện Berggruen (tổ chức tư vấn ở Los Angeles), nhận định: “Những công ty này muốn có mọi lợi ích khi độc quyền truyền thông thế giới mà không bị cuốn vào vấn đề địa chính trị và phải lựa chọn bên này hay bên kia. Họ đang ở trong tình thế không có lợi trong cuộc khủng hoảng quốc tế”.
Bà Marietje Schaake, chuyên gia chính sách công nghệ và là cựu thành viên của Nghị viện châu Âu, cho biết nhiều công ty đã hành động thận trọng. Mặc dù Google và Meta đã chặn phương tiện truyền thông nhà nước Nga bán quảng cáo trên các trang web của mình vào tuần trước, nhưng hai tập đoàn này đã không cấm các tờ báo như lời kêu gọi của nhiều chính trị gia phương Tây.
Khi xung đột gia tăng, các công ty công nghệ đã thực hiện thêm động thái. Vào ngày 27/2, Google Maps đã ngừng hiển thị thông tin giao thông ở Ukraine vì lo ngại có thể gây ra rủi ro về an toàn khi hiển thị nơi đông người. Facebook thông báo rằng đã xử lý một chiến dịch tin tặc nhằm vào người dùng Facebook ở Ukraine.
Ngày 28/2, Twitter đã bắt đầu dán nhãn cho tất cả các tweet có chứa liên kết của các tờ báo liên quan nhà nước Nga. Kể từ khi xung đột ở Ukraine xảy ra, người dùng đã đăng lên Twitter các liên kết khoảng 45.000 lần mỗi ngày.
Một số chuyên gia cảnh báo về những hậu quả tiêu cực nếu các nền tảng bị chặn ở Nga. Ông Andrei Soldatov, một nhà báo Nga cho biết: “Đó là nơi quan trọng nhất để tranh luận công khai về những gì đang diễn ra. Không ai coi việc Facebook chặn quyền truy cập của công dân Nga là dấu hiệu tốt”.
Trong khi đó, Google cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình ở Ukraine, còn Twitter cho biết đã nghiêm túc thực hiện vai trò của mình trong cuộc xung đột.
Về phần mình, ByteDance - Công ty chủ quản của ứng dụng TikTok, đã gỡ hơn 3.500 video và 12.100 bình luận liên quan đến cuộc chiến Nga và Ukraine vì phát tán thông tin không phù hợp. Douyin (TikTok bản Trung Quốc) chia sẻ trên tài khoản WeChat rằng nhiều video truyền bá các giá trị không phù hợp gây tổn hại đến hình ảnh của nền tảng.
Ngoài ra, với hơn 600 triệu người dùng hoạt động hằng ngày, Douyin cho rằng ứng dụng này đóng vai trò trong việc định hướng dư luận tại Trung Quốc về chiến sự ở Ukraine. Bởi thực tế, khi tìm kiếm trên Douyin với từ khóa “Ukraine” kết quả được đề xuất chủ yếu liên quan trang tin tức tổng hợp Jinri Toutiao thuộc ByteDance. Tài khoản này cập nhật nội dung liên quan đến chiến sự dưới nhiều hình thức như livestream, tác nghiệp hiện trường, đính chính tin đồn hay giải thích tình hình giao tranh.
Hai luồng sức ép
Telegram là ví dụ minh họa về những áp lực với các mạng xã hội trong bối cảnh xung đột ở Ukraine. Ứng dụng này phổ biến ở Nga và Ukraine, được dùng để chia sẻ hình ảnh, video và thông tin về cuộc chiến. Tuy nhiên, Telegram cũng đã trở thành “ổ” thông tin sai lệch về cuộc chiến, có nhiều hình ảnh chưa được xác minh từ các chiến trường.
Ngày 27/2, ông Pavel Durov, sáng lập viên Telegram, cho biết ông đang xem xét chặn một số kênh liên quan đến cuộc chiến cả ở Ukraine và Nga vì các kênh này có thể làm trầm trọng thêm cuộc xung đột, kích động hận thù sắc tộc.
Người dùng Telegram tỏ ra lo lắng và nói rằng họ dựa vào Telegram để nắm được thông tin độc lập. Chưa đầy một giờ sau, ông Durov đã đổi ý. Ông viết: “Nhiều người dùng yêu cầu chúng tôi không tắt các kênh Telegram trong khoảng thời gian xảy ra xung đột, vì chúng tôi là nguồn thông tin duy nhất cho họ”.
Còn với Meta, tình hình đã trở nên hỗn loạn vì lượng thông tin sai lệch liên quan cuộc chiến tràn lan trên các ứng dụng như Instagram và WhatsApp. Các chuyên gia phải làm việc ngày đêm để phát hiện và xóa các thông tin mà họ cho là sai lệch.
Nhóm bảo mật của Meta đã tranh luận về việc hạn chế Sputnik và Russia Today (hai trong số các trang web truyền thông nhà nước lớn nhất của Nga) hay là gắn nhãn các bài đăng.
Các giám đốc điều hành của Meta đã phản đối các động thái này và nói rằng các động thái đó sẽ khiến Nga tức giận. Tuy vậy, sau khi cuộc chiến nổ ra, ông Nick Clegg, Giám đốc vấn đề toàn cầu của Meta, đã tuyên bố rằng Meta sẽ hạn chế quyền truy cập vào Russia Today và Sputnik trên toàn EU.
Trong khi đó, Nga đang gây áp lực buộc các mạng xã hội phải xử lý các bài đăng trên mạng xã hội và các luồng thông tin khác trong nước. Nga đã hạn chế rất nhiều quyền truy cập vào Facebook và Twitter và có khả năng tiếp theo là YouTube.
Ngày 28/2, Nga đã yêu cầu Google chặn các quảng cáo được thực hiện trên nền tảng của mình liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Trước đó, ngày 27/2, Nga đã yêu cầu dỡ bỏ các lệnh cấm các phương tiện truyền thông nhà nước.
Trong khi đó, các quan chức phương Tây đang thúc đẩy các tập đoàn này chặn các phương tiện truyền thông nhà nước Nga. Ngày 28/2, các nhà lãnh đạo của Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan đã viết thư cho Meta, Google, YouTube và Twitter để yêu cầu họ tạm dừng các tài khoản thân liên quan Điện Kremlin và Chính phủ Nga, như đài Russia Today và Sputnik.
Phó thủ tướng Ukraine đã kêu gọi Meta, Apple, Netflix và Google hạn chế quyền truy cập vào các dịch vụ ở Nga. Giới chức Mỹ cũng đã yêu cầu kiềm chế các hoạt động truyền thông của Nga.
Theo bà Schaake, qua cuộc chiến ở Ukraine, có thể thấy thế giới thừa nhận sức mạnh và vai trò của các nền tảng mạng xã hội.