Đài truyền hình Haberturk dẫn lời Tổng thống Erdogan nói với lãnh đạo các cơ quan truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ: "100 người mà chúng tôi cử tới Nga để tham gia huấn luyện (sử dụng S-400) sau này sẽ có khả năng huấn luyện những người khác. Vì vậy, ngay khi họ trở về, họ sẽ huấn luyện (những người khác). Số lượng (các chuyên gia) này là không đủ, và có lẽ, con số 100 sẽ được nhân thêm 10".
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12/7 thông báo những máy bay chở các bộ phận của hệ thống S-400 đã bắt đầu tới Ankara. Chiếc máy bay chở hàng thứ tư của Nga ngày 13/7 đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Murted gần thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, một ngày sau khi thiết bị được dỡ xuống từ ba máy bay AN-124 lớn của không quân Nga.
Washington từ mấy tháng qua đã cố gắng ngăn chặn thỏa thuận trên, lập luận rằng hệ thống phòng không S-400 của Nga không tương thích với các hệ thống của NATO. Washington cũng nói rằng nếu các hệ thống S-400 được triển khai gần máy bay F-35 của Mỹ, mà Thổ Nhĩ Kỳ đang mua, thì chúng sẽ làm suy yếu hệ thống phòng thủ của máy bay chiến đấu tàng hình này.
Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị loại khỏi chương trình F-35 nếu họ nhận các hệ thống S-400 và cũng sẽ đối mặt với các chế tài theo luật pháp của Mỹ nhằm ngăn chặn các quốc gia mua thiết bị quân sự từ Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ cần phải có S-400 cho mục đích phòng thủ chiến lược, trên hết là giữ an ninh biên giới phía Nam với Syria và Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng khi họ đạt thỏa thuận với Nga mua S-400, Mỹ và châu Âu đã không đưa ra một lựa chọn thay thế khả thi.
Tranh cãi giữa hai quốc gia có hai quân đội lớn nhất trong khối NATO đánh dấu sự chia rẽ sâu sắc trong liên minh quân sự phương Tây vốn được củng cố sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.