Thượng tướng Viktor Bondarev, Tư lệnh lực lượng Không quân Vũ trụ Nga đã xác nhận thông tin trên trong cuộc trả lời phỏng vấn Kênh Zvezda TV (Nga) ngày 11/8.
“Quyết định đã được đưa ra và chiến đấu cơ này được đặt tên như một đứa trẻ sau khi được sinh ra. Su-57 là cái tên mà chúng tôi đặt cho máy bay quân sự này”, ông Bondarev cho hay.
Những chiếc Su-57 của Nga. Ảnh: TASS |
Theo hãng tin TASS (Nga), trước đó truyền thông nước này đã trích dẫn nguồn từ ngành sản xuất máy bay khẳng định rằng chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 T-50 sẽ được gọi là Su-57.
Su-57 lần đầu tiên cất cánh trong năm 2010 và sẽ trải qua thêm thời gian dài kiểm nghiệm trước khi phiên chế vào quân đội Nga trong năm 2019. Đại diện của Tập đoàn sản xuất máy bay Thống nhất (UAC) cho biết nhóm đầu tiên được sản xuất sẽ bao gồm 12 chiếc Su-57.
Su-57 với động cơ tiên tiến sẽ bay ra mắt trong quý thứ 4 năm 2017. Đây là chiến đấu cơ tàng hình động cơ đôi đa chức năng, một chỗ ngồi được thiết kế cho nhiệm vụ tấn công. Su-57 có thể đạt vận tốc 2.599km/giờ và đạt độ cao tối đa 20km. Nga nhấn mạnh rằng Su-57 sẽ tận dụng công nghệ tàng hình để qua mặt các radar của kẻ thù.
Tờ Newsweek (Mỹ) đưa tin rằng Su-57 sẽ mang theo tên lửa K-77M tầm bắn 201km. Trong khi đó, tên lửa AIM-120D Scorpion của quân đội Mỹ lại khiêm tốn hơn, đạt tầm bắn 161km.
Tướng Bondarev miêu tả Su-57 là “bộ máy tuyệt vời”: “Tất cả các quốc gia có thể đều muốn được sở hữu loại máy bay như thế này và chúng tôi đang có chúng”.
Còn nhà sản xuất máy bay Nga thì khẳng định rằng Su-57 có giá thành sản xuất rẻ hơn so với các “đối thủ” Mỹ, đạt mức gần 155,6 triệu USD.
Hãng Sputnik (Nga) đưa tin Su-57 có khả năng tự bay không cần điều khiển. Ông Viktor Pryadka tại công ty công nghệ hàng không Avintel nhận định: “Mỗi máy bay như vậy có thể trở thành một trung tâm máy tính có khả năng quyết định chính xác loại vũ khí cần thiết cho một nhiệm vụ chiến đấu nhất định. Ở chế độ không người lái, máy bay có thể tiến tới mục tiêu nhanh hơn”.
“Cách phi công cảm nhận và tâm trạng của phi công có thể ảnh hưởng tới khả năng điều khiển chiến đấu cơ, trong khi đó những chuyên gia vận hành phi cơ từ xa sẽ đưa ra quyết định đúng nhanh chóng và dễ dàng hơn”, ông Pryadka bổ sung.