Đây là mẫu xe thiết giáp chiến đấu (AFV), được thiết kế chuyên để tác chiến trong không gian đô thị chật hẹp. Nhiệm vụ chính của “Kẻ hủy diệt” là bảo vệ xe tăng, giảm thiểu nguy cơ tổn thất đối với xe tăng và bộ binh đi kèm.
Xe bọc thép này do tổ hợp Uralvagonzavod (Nga) chế tạo, sử dụng khung gầm xe tăng chủ lực T-72, được trang bị tháp pháo với hai pháo 2A42 30 mm, 4 ống phóng tên lửa 9M120-1 Ataka, hai súng phóng lựu AGS-17 và một súng máy PKTM 7,62 mm.
Bọc thép “Kẻ hủy diệt” được Nga phát triển dựa trên bài học kinh nghiệm rút ra từ can thiệp quân sự của Liên Xô tại Afghanistan cũng như hai cuộc chiến tranh tại Chechnya (từ 12/1994-8/1996 và từ 8/1999-12/2000). Tại Grozny, thủ phủ Chechnya, quân ly khai sử dụng vũ khí chống tăng giá rẻ để tiêu diệt xe tăng Nga mà không lo sợ bị bắn trả. Nguyên do là bởi xe tăng Nga không có khả năng cơ động tốt trong không gian chật hẹp, không thể khai hỏa theo góc bắn dựng, hướng các khối nhà cao tầng nơi quân ly khai cố thủ.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, Nga được cho là đã điều khoảng 10 thiết giáp “Kẻ hủy diệt” tới thành phố Severodonetsk thuộc tỉnh Luhansk, miền đông Ukraine. Điều này cho thấy Nga đặt ưu tiên kiểm soát thành phố này.
Thống đốc vùng Luhansk, ông Sergey Gaidai, cho biết Severodonetsk vẫn nằm trong quyền kiểm soát của Ukraine. Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội tại đây cho biết các cuộc tấn công của Nga đang biến nơi đây thành “Mariupol thứ hai”.