Nguyên mẫu của loại súng phóng tia vi ba này được thiết kế để đốt cháy các hệ thống tên lửa tự hành và có thể được tích hợp trên các chiến đấu cơ thế hệ thứ 6.
Hệ thống vũ khí tối tân nói trên "đã tồn tại và tiến triển khá hiệu quả", ông Vladimir Mikheev - Phó Giám đốc Tập đoàn Công nghệ vô tuyến điện tử (KRET), một nhà thầu về vũ khí tác chiến điện tử hàng đầu - cho biết. Hãng thông tấn Tass dẫn lời ông Mikheev nói rằng "các cuộc thử nghiệm đang được liên tục tiến hành, cả trong phòng thí nghiệm lẫn trường bắn".
Về cơ bản, súng bắn tia vi ba phóng ra bức xạ điện từ rất mạnh, khiến các mạch điện bị đốt cháy. Chúng không phải là một loại vũ khí đơn dụng, không giống như thiết bị xung điện từ vốn có thể dùng cho mục đích tương tự.
Quan chức KRET cho biết các chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của Nga trong tương lai có thể được trang bị những loại vũ khí tiên tiến như vậy. Súng bắn tia vi ba có thể được sử dụng để tiêu diệt các tên lửa đang bay tới bằng cách phá hủy hệ thống dẫn đường của những tên lửa này.
Ông Mikheev dự đoán một số linh kiện điện tử trên máy bay sẽ kết hợp với một thiết bị tích hợp, từ đó phối hợp các chức năng của radar và các thiết bị cảm biến khác, cũng như với một hệ thống tác chiến điện tử, một hệ thống tên lửa dẫn đường và thậm chí là thiết bị liên lạc.
Từ năm 2015, Nga đã thông báo phát phát triển một loại vũ khí mới là súng bắn tia vi ba, có thể tiêu diệt mọi loại máy bay và tên lửa ở khoảng cách 10 km mặc, dù giới chuyên gia vũ khí Nga còn nghi ngờ sức mạnh của loại vũ khí này.
Gọi là súng phóng tia vi ba vì nó hoạt động trên nguyên tắc bức xạ sóng cực ngắn. Vũ khí đặc biệt này được cho là có khả năng vô hiệu hóa máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình.
Khẩu súng vi ba đầu tiên của Nga được thiết kế bởi Viện kỹ thuật vô tuyến Moskva, một tổ chức quân sự cấp cao của Nga, và khẩu súng này có tầm hoạt động khoảng 10km.
Bức xạ điện từ của khẩu súng đơn giản chỉ là "nướng chín" các thiết bị điều khiển điện tử của mục tiêu và vô hiệu hóa khả năng hoạt động của chúng.
"Xét về khả năng có thể thực hiện, và độ phức tạp hiện nay, súng phóng tia viba không có đối thủ trên thế giới", một nguồn tin quốc phòng cho biết.
Mặc dù vậy, việc sử dụng loại súng này sẽ sản sinh ra một lượng lớn sóng bức xạ vi ba, ảnh hưởng tới sức khỏe phi công. Điều này đồng nghĩa với việc có lẽ chỉ có máy bay không người lái mới thích hợp với vũ khí này.
Giữa tháng 6/2015, trong khuôn khổ Triển lãm quân sự Army-2015, quân đội Nga đã trình diễn súng bắn tia vi ba diệt thiết bị bay không người lái (UAV) cách 10 km trước các chuyên gia quân sự Nga và nước ngoài.