Theo TASS, đó là thông báo của Giám đốc hợp tác quốc tế và chính sách khu vực Tập đoàn Công nghệ và Quốc phòng Rostec (Nga) Viktor Kladov trong bài trả lời phỏng vấn trên trang Defence News.
"Đây là một hệ thống mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn và chúng tôi đã chuyển giao. Cho đến lúc này quá trình đang diễn ra rất suôn sẻ", ông Kladov nói.
"Chúng tôi đang phối hợp với các đối tác và các đối tác tiềm năng, bất chấp ai đó thích hay không thích. Đây là việc làm ăn, và chỉ là mối quan hệ làm ăn", ông Kladov nhấn mạnh, ám chỉ cảnh báo của Mỹ trước việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga.
"Một nhà báo Nga hỏi tôi: 'Nếu người Mỹ có dừng chuyển F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó có nghĩa các ông sẽ cung cấp Su-35? Và tôi trả lời: 'Không, sẽ không như vậy'. Việc này do Thổ Nhĩ Kỳ quyết định", ông Kladov cho biết.
Từ tháng 11/2016 xuất hiện những thông tin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua các hệ thống S-400 của Nga. Tháng 12/2017, Nga xác nhận đã ký hợp đồng S-400 với Ankara và tháng 6/2018, nguồn tin ngoại giao - quân sự cho biết các công ty quốc phòng Nga đang tiến hành các thủ tục chuyển giao hệ thống S-400 cho Ankara, dự kiến hoàn tất vào tháng 5/2019.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết mua hệ thống S-400 của Nga thay vì hệ thống Patriot của Mỹ đã khiến Washington nổi giận đe dọa áp đặt trừng phạt chống Ankara. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, khi S-400 được chuyển giao, vũ khí này sẽ không được tích hợp vào hệ thống phòng thủ của NATO.
Nga tuyên bố S-400 là hệ thống phòng không tân tiến có thể phát hiện và bắn hạ các mục tiêu bao gồm tên lửa đạn đạo, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái ở cách xa 600 km, trong phạm vi độ cao từ 10 mét đến 27km. S-400 cũng có khả năng bắn hạ cùng lúc 36 mục tiêu đang di chuyển với tốc độ lên tới 4.800m/giây bằng 72 quả tên lửa không đối đất.
Video quân đội Nga thử S-400:
Năm ngoái, Tập đoàn Rosoboronexport của Nga tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ lên đầu năm 2019. Hai nước cũng thống nhất sẽ chuyển sang dùng các đồng nội tệ để thanh toán hợp đồng thay vì sử dụng đôla Mỹ như trước.
S-400 được Nga triển khai lần đầu tiên năm 2010. Mỗi khẩu đội S-400 có 8 bệ phóng, 1 trung tâm điều khiển, radar và 16 tên lửa dự phòng. Nó được triển khai để bảo vệ không phận Nga và chống lại các tên lửa hay máy bay chiến đấu, trong đó có cả máy bay tàng hình.
Tại Syria, hai hệ thống S-400 của Nga đã được triển khai nhằm đảm bảo an ninh cho căn cứ không quân Khmeimim tại tỉnh Latakia và căn cứ hải quân Tartus.
Trước Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã hoàn tất chuyển giao các hệ thống S-400 cho Trung Quốc. Tháng 12 năm ngoái, Lực lượng tên lửa Quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm S-400 bắn hạ mục tiêu đạn đạo giả ở cách xa 250km và bay với vận tốc siêu thanh.