Kênh Al Jazeera cho biết S-400 là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trên thế giới. S-400 có thể dò tìm, phát hiện chiến đấu cơ đối phương rồi phóng nhiều tên lửa tấn công từ khoảng cách 400 km. Trong khi đó, nếu so sánh thì hệ thống phòng không Patriot của Mỹ lại chỉ có thể phóng một tên lửa mỗi lần và phạm vi tấn công chỉ bằng 1/4 so với S-400.
Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận mua S-400 với Nga trong năm 2017 và bắt đầu giao nhận hệ thống đầu tiên từ tháng 7/2019.
Trong lần thử nghiệm đầu tiên tháng 11/2019, radar của S-400 đã phát hiện chiến đấu cơ F-16 và F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ bay qua bầu trời thủ đô Ankara. Đến tháng 8 năm nay, radar S-400 dò tìm được F-16 của Không quân Hy Lạp khi trên đường quay trở về từ một cuộc tập trận đa quốc gia.
Đến đầu tháng 10 này, Thổ Nhĩ Kỳ đưa S-400 ra Biển Đen, gần Sinop. Có thông tin rằng Ankara đã lên kế hoạch cho thử nghiệm radar và thậm chí bắn tên lửa thật bởi trong thông báo cho các phi công của nước này có đoạn đề nghị các phi cơ tránh khu vực có độ cao 61.000 mét.
S-400 có phạm vi hoạt động 400 km đồng nghĩa với việc hệ thống phòng không này có thể hoạt động sang cả lãnh thổ Syria. Một hệ thống tên lửa có thể tác động được đến cả không phận nước khác như vậy được coi có thể gây mất cân bằng chiến lược. S-400 thậm chí giúp Thổ Nhĩ Kỳ “bao quát” được cả khu vực Đông Địa Trung Hải.
Các chuyên gia cũng đề cập đến viễn cảnh S-400 đối đầu với chiến đấu cơ Nga ở Syria bởi Ankara và Moskva ủng hộ lực lượng khác nhau tại Syria và Libya.
Là thành viên nòng cốt của NATO và đồng minh quan trọng của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ còn được coi rất cần thiết với chương trình phát triển tiêm kích F-35 và cũng nằm trong danh sách những quốc gia đầu tiên nhận chiến đấu cơ này. Mỹ không đồng tình với việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 do vậy đã “đá” Ankara khỏi chương trình phát triển F-35 trong tháng 7/2019.
Washington đưa ra quyết định trên do quan ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hệ thống phòng không có năng lực bắn hạ chiến đấu cơ Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cảnh cáo trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiếp tục theo đuổi việc triển khai, sử dụng S-400.