Theo đài RT (Nga), phát biểu trong sự kiện hôm 23/2, bà Wormuth cho biết Mỹ đang xem xét cách nhanh nhất để có thể đưa xe tăng đến Ukraine. Song Bộ trưởng Lục quân Mỹ thừa nhận rằng việc bàn giao loại vũ khí này cho Ukraine sẽ không thể hoàn thành trong vài tuần hoặc vài tháng, mà phải cần mốc thời gian dài hơn.
“Tôi nghĩ thời gian có thể ít hơn hai năm, hoặc chưa tới một năm rưỡi. Nhưng một lần nữa, chúng tôi phải xem xét ưu và nhược điểm của các phương án”, bà Wormuth nói và cho biết thêm: “Vẫn còn phải xác định xem liệu xe tăng có thể đến Ukraine vào cuối năm hay không.”
Bà giải thích rằng thời gian chuyển giao kéo dài là bởi Mỹ không chỉ tự cung cấp xe tăng, mà còn phải hỗ trợ các phương tiện phục hồi, đạn dược và huấn luyện cần thiết cho quân đội Ukraine.
“Vẫn còn rất nhiều chi tiết cần được giải quyết”, bà Wormuth nhấn mạnh.
Bà Wormuth lưu ý rằng Lầu Năm Góc cũng đang cân nhắc một số kịch bản, bao gồm thiết lập phần cứng cần thiết từ đầu và tìm nguồn cung ứng từ một số nhà sản xuất có sẵn. Song bà cho hay việc chế tạo phần cứng xe tăng từ đầu không phải là điều dễ dàng và Lầu Năm Góc cũng có thể lựa chọn hiện đại hóa các phương tiện hiện có trong kho dự trữ để chuyển giao cho Ukraine.
Theo bà, Mỹ đang cân nhắc việc chuyển xe tăng từ những nước từng mua xe tăng của Mỹ. Bà giải thích rằng các quốc gia này có thể cung cấp xe tăng cho Ukraine nhanh hơn, tuy nhiên điều này “có thể làm gián đoạn quan hệ với các đồng minh quan trọng” của Mỹ.
Trước đó, ngày 26/1, Mỹ đã công bố gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine bao gồm 31 xe tăng Abrams do nước này sản xuất cho Ukraine. Theo đó, Mỹ sẽ bắt đầu huấn luyện quân đội Ukraine về các vấn đề vận hành, hậu cần và bảo trì loại vũ khí này.
Xe tăng tối tân M1 Abrams là dòng xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba, một trong những vũ khí hiện đại nhất của nước Mỹ.
Phát biểu với Sky News vào cuối tháng 1, vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh rằng nếu những chiếc xe tăng này được đưa đến Ukraine vào tháng 8 thì sẽ “quá muộn”. Ông cũng nói rõ rằng số lượng xe tăng ít ỏi “sẽ không tạo ra sự khác biệt trên chiến trường”.
Suốt nhiều tháng trước đó, Kiev đã liên tục kêu gọi các nước phương Tây gửi cho họ xe tăng chiến đấu chủ lực, nhằm cung cấp cho lực lượng của họ hỏa lực, khả năng bảo vệ và tính cơ động cao hơn nhằm giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo Nga sẽ coi kế hoạch chuyển giao xe tăng cho Ukraine là hành động tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột của NATO. Ông nói thêm rằng thiết giáp của phương Tây sẽ không thay đổi kết quả của cuộc giao tranh và xe tăng sẽ bị thiêu rụi nếu chúng đến chiến trường.
Trước đó, Nga đã nhiều lần cảnh báo việc phương Tây bơm vũ khí vào Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài và làm tăng nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO và rằng bất cứ lô vũ khí nào của nước ngoài vào Ukraine đều có thể trở thành mục tiêu tấn công chính đáng của Nga.