Theo trang Eurasian Times, mới đây, Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin của Mỹ tiết lộ rằng họ đã chuyển giao vũ khí laser có công suất 300 kilowatt cho Bộ Quốc phòng để sử dụng trong các cuộc trình diễn laser công suất cao trong tương lai.
Đây là loại vũ khí laser có công suất cao nhất từ trước đến nay của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Loại vũ khí trên nhằm trong “Sáng kiến mở rộng quy mô laser năng lượng cao (HELSI)” của Lầu Năm Góc. Chương trình nhằm mục đích phát triển ngành công nghiệp năng lượng định hướng (DEW), cải tiến quy mô của chùm tia laser.
Theo thông báo, hồi năm 2019, Lầu Năm Góc đã lựa chọn Lockheed Martin để tham gia vào dự án HELSI. Công ty đã hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn. Đến tháng 7 vừa qua, các nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất lực lượng vũ trang nước này thúc đẩy phát triển dòng vũ khí năng lượng định hướng, sử dụng tia laser, vi sóng và các chùm hạt với công suất cao.
Với độ chính xác, phản ứng nhanh và “xác suất trúng đích” cao trước các tên lửa di chuyển nhanh, vũ khí năng lượng định hướng đang trở nên phổ biến hơn với vai trò là hệ thống phòng thủ và đối phó hiệu quả trước các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.
Ông Rick Cordaro, Phó chủ tịch của bộ phận giải pháp sản phẩm tiên tiến của Lockheed Martin, cho biết hệ thống vũ khí laser mới sử dụng sử dụng “cấu trúc kết hợp chùm quang phổ”. Ông nói: “Lockheed Martin đã tăng cường sức mạnh, hiệu quả, đồng thời giảm trọng lượng, khối lượng của các vũ khí laser năng lượng cao, giúp giảm thiểu rủi ro cho các nỗ lực phòng thủ trong tương lai của các hệ thống vũ khí laser công suất cao”.
Theo thông cáo của Lockheed Martin, vũ khí laser có công suất 300kw sẽ hỗ trợ trình diễn Laser Năng lượng cao - Khả năng Bảo vệ Hỏa lực gián tiếp của quân đội (IFPC-HEL). Theo kế hoạch, loại vũ khí này sẽ được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và tại hiện trường trong năm nay.
Chương trình IFPC-HEL là một trong 35 ưu tiên hiện đại hóa then chốt của Lục quân Mỹ. Mặc dù chương trình nằm trong khu vực ưu tiên phòng thủ tên lửa và phòng không của lục quân, nhưng được quản lý bởi Văn phòng Công nghệ trọng yếu và Năng lực nhanh (RCCTC).
Trước đó, RCCTC đã phối hợp phát triển nguyên mẫu vũ khí laser phòng không Tầm ngắn Cơ động Năng lượng định hướng (DEM-SHORAD). Loại vũ khí này đã được thử nghiệm đối phó với máy bay không người lái và đạn cối vào năm ngoái, nhưng kết quả còn hạn chế.
Quân đội Mỹ dự định sử dụng hai loại hệ thống vũ khí laser khác nhau trong các nhiệm vụ phòng không, bao gồm vũ khí loại 50 kilowatt và loại 300 kilowatt gắn trên xe chiến đấu bọc thép General Dynamics Stryker. Lầu Năm Góc cũng đang làm việc để tích hợp thiết bị laser 20 kW trên hệ thống phòng không theo một chương trình mới mang tên Laser năng lượng cao đa mục đích.
Hệ thống vũ khí laser thường được thiết kế để đánh chặn máy bay không người lái, tên lửa và các mối đe dọa từ trên không khác như đạn cối và rocket. Trong khi đó, hệ thống phòng không dựa trên tia laser đã trở thành trọng tâm của các quân đội tiên tiến, bao gồm cả Mỹ. Israel, gần đây đã trở thành quốc gia đầu tiên bắn hạ thành công máy bay không người lái bằng thiết bị đánh chặn dựa trên tia laser được gọi là “Tia sắt”.
Theo giới chức, Mỹ cần hợp tác với các đồng minh như Israel trong lĩnh vực này vì khả năng phát triển các hệ thống phòng thủ dựa trên laser không phải là điều bí mật.