Tại sao máy bay 'Made in India' quá đắt?

Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã mở cuộc điều tra thương mại để tìm nguyên nhân giá bán loại máy bay tiêm kích hạng nhẹ do nước này tự sản xuất, chiếc Tejas Mark1A, lại đắt hơn đáng kể so với các máy bay của các nhà sản xuất khác.

Chú thích ảnh
Máy bay chiến đấu hạng nhẹ tự chế đầu tiên của Ấn Độ Tejas cất cánh tại sân bay Bangalore. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

 

Vấn đề càng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh chiếc Tejas này nằm trong sáng kiến thúc đẩy các sản phẩm trong nước: “Made in India” (Sản xuất tại Ấn Độ).

 

Báo Sputnik dẫn thông tin từ tờ The Indian Express của Ấn Độ cho biết, doanh nghiệp HAL (Hindustan Aeronautics Limited) đã chào mời 83 máy bay Tejas Mark1A với giá tương đương 67,5 USD mỗi chiếc. Mức này rõ ràng cao hơn đáng kể so với giá 52,9 triệu USD mỗi chiếc của phiên bản Tejas ban đầu và cao hơn giá chào bán của các nhà sản xuất máy bay nổi tiếng thế giới, thậm chí cao hơn cả giá chào của chính hãng HAL.

 

Trên thị trường, mỗi chiếc tiêm kích hạng nặng Su-30 MKI do HAL chế tạo với sự hợp tác của Nga, được chào ở mức 60,5 triệu USD. Nhưng cũng loại tiêm kích này nếu Nga sản xuất chỉ có giá 48 triệu USD/chiếc.

 

Trong quá trình đấu thầu, hãng Gripen của Thụy Điển chào bán mỗi chiếc tiêm kích Gripen 65 triệu USD, trong khi Mỹ chào F-16 ở mức 55,4 triệu USD/chiếc. Cả hai hãng này đều chấp nhận chuyển việc sản xuất máy bay của họ sang Ấn Độ, phù hợp với chính sách “Made in India” của Chính phủ Ấn Độ.

 

Chính vì thế, một ủy ban của Bộ Quốc phòng Ấn Độ sẽ tìm hiểu nguyên nhân kinh tế dẫn đến giá máy bay Tejas Mark1A cao để đàm phán lại nhằm giảm giá. Và điều này sẽ làm chậm việc ký hợp đồng với HAL thêm một năm nữa. Trong khi đó, việc chuyển giao đợt đầu 40 chiếc Tejas Mark1 cho Không quân Ấn Độ vẫn chưa hoàn thành do những chậm trễ trong dây chuyền sản xuất của HAL.

 

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho rằng việc tăng giá máy bay Tejas  Mark1A là do thiếu sự hợp tác giữa các đối tác tham gia dự án, gồm HAL, Không quân Ấn Độ và Tổng cục Công nghiệp hàng không Ấn Độ (ADA).

 

Bộ Quốc phòng Ấn Độ dự định sẽ sắp xếp lại sự hợp tác giữa các cơ quan trên theo kinh nghiệm của Lục quân Ấn Độ, vốn đã thu được những thành quả nhất định trong việc xây dựng ý tưởng, sản xuất và đưa vào sử dụng những vũ khí mới.

 

Các chuyên gia Nga cho rằng sự chậm trễ và những vấn đề liên quan đến việc sản xuất máy bay chiến đấu tại Ấn Độ phơi bày những hạn chế của nền công nghiệp hàng không nước này hiện nay.

 

Khó khăn trong sản xuất những chiếc Tejas cho thấy Ấn Độ có thể chưa đủ khả năng để tham gia một cách hiệu quả trong việc sản xuất những máy bay tối tân, như chiếc FGFA hợp tác Nga - Ấn. Đây là dự án sản xuất máy bay thể hệ thứ 5 theo mẫu chiếc Su-57 của Nga. Dự án này đang bị tạm ngừng mặc dù phía Nga đã đồng ý chuyển giao toàn bộ công nghệ, vốn là một đòi hỏi then chốt của Ấn Độ.

 

Có chuyên gia cũng cho rằng việc Ấn Độ tạm ngừng hợp tác với Nga trong dự án chế tạo máy bay thế hệ 5 là do những khó khăn về tài chính của Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Những lý do trên, nếu đúng, có thể phản bác lại dư luận báo chí Ấn Độ cho rằng máy bay thế hệ 5 trong dự án với Nga “yếu về công nghệ” và “động cơ kém hiệu quả”.

 

LDT
Nga hiện đại hóa dàn máy bay ném bom chiến lược
Nga hiện đại hóa dàn máy bay ném bom chiến lược

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Nga sẽ nâng cấp 8 máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95 MS vào cuối năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN