Tên lửa “lai” mới của Trung Quốc thách thức tàu ngầm Mỹ

Hé lộ về tên lửa “lai” chống ngầm mới – một dự án phát triển vũ khí hải quân của Trung Quốc: Yu-8.

Theo Giáo sư Lyle J. Goldstein tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc (CMSI) thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, tiết lộ gần đây về việc Bắc Kinh đã xây dựng nhiều nhà chứa máy bay lớn trên các đảo mà Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông có thể sẽ làm gia tăng tình hình căng thẳng và nguy hiểm tại đây một lần nữa.

Nhưng những cơ sở này sẽ không có tác động đáng kể đối với cán cân quân sự chung trong khu vực, bởi vì bất kỳ một đường băng nào như vậy cũng rất dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công bằng vũ khí dẫn đường chính xác.

Tàu ngầm tấn công lớp Virginia của Mỹ. Ảnh: US Navy

Theo đó, trong tác chiến hiện đại, nếu mục tiêu bị phát hiện, nó có thể bị tiêu diệt một cách dễ dàng. Thực tế là hầu hết các mục tiêu như đường băng và cơ sở hạ tầng liên quan của nó đều dễ dàng bị phát hiện. Do đó, các nhà chiến lược có lẽ sẽ sáng suốt hơn khi duy trì sự tập trung vào cuộc đối đầu dưới biển, khu vực mà lợi thế đang nghiêng về phía Mỹ và đồng minh.
 
Có lẽ các nhà lãnh đạo Trung Quốc còn rất lâu mới có thể hài lòng về các khả năng của lực lượng tàu ngầm Trung Quốc hiện nay. Quan trọng không kém, nếu không muốn nói là hơn, Bắc Kinh cũng không thể hài lòng với những nỗ lực liên tục của nước này nhằm đối phó với các tàu ngầm của Mỹ và đồng minh trong bất cứ cuộc xung đột quân sự tiềm tàng nào.

Tuy nhiên, có thể Mỹ lại đang đánh giá quá thấp các khả năng tác chiến chống ngầm (ASW) ngày càng được cải thiện của Trung Quốc. Sự phát triển lớn trong lĩnh vực này trong vài năm qua bao gồm tăng cường sản xuất tàu khu trục hạng nhẹ được tối ưu hóa khả năng chống ngầm Type 056A, hoàn thành thiết kế máy bay tuần tra tầm xa GX-6 và triển khai các thiết bị cảm biến dưới đáy biển ở một số khu vực có lựa chọn. Trong khi đó, một bài viết trên Shipborne Weapons (ấn phẩm của tập đoàn đóng tàu chiến Trung Quốc CSIC) hồi tháng 7 vừa qua tiết lộ rằng tên lửa ASW mới của Trung Quốc, Yu-8 đã hoàn thành với một bức ảnh về vụ phóng thử từ tàu khu trục Type 054A của Hải quân Trung Quốc (PLAN) ở Biển Đông.

Tất nhiên, về mặt logic, một số nhà chiến lược sẽ đặt câu hỏi: "Một tên lửa ASW là gì”?. Và một số chuyên gia về chương trình phát triển quân sự của Trung Quốc sẽ truy vấn thêm rằng tại sao một "tên lửa" lại được Trung Quốc định danh là "ngư lôi", thay vì là "tên lửa"?

Câu trả lời là đây là một loại vũ khí lai giữa tên lửa và ngư lôi, vốn về lý thuyết là sự kết hợp 2 khả năng của tên lửa và ngư lôi vào 1 vũ khí. Ưu điểm chính của sự kết hợp này tất nhiên là để mở rộng tối đa tầm bắn và tốc độ của hệ thống vũ khí này. Một lợi thế khác là hệ thống ngư lôi tấn công sẽ không thể bị tàu ngầm đang lặn phát hiện, cho tới khi nó phóng xuống vùng nước khá gần với mục tiêu, làm hạn chế thời phản ứng của thủy thủ trên tàu ngầm nhằm thực hiện hành động lẩn tránh hoặc triển khai các biện pháp đối phó.

Tên lửa chống ngầm Yu-8 được phóng trong một cuộc diễn tập. Ảnh: CCTV

Lưu ý rằng Yu-8 thực sự không phải là tên lửa chống ngầm đầu tiên của Trung Quốc, mà là CY-1, nhưng "rõ ràng CY-1 có lẽ không đáp ứng được các yêu cầu của Hải quân Trung Quốc". Hiện chưa có thông tin chính xác về tính năng của Yu-8 nhưng dự đoán là tên lửa này có chiều dài khoảng 5m, nặng gần 700kg, tầm bắn khoảng 30km và tốc độ trong khoảng Mach 0,9 – 0,95. Phần ngư lôi của vũ khí ước tính có đường kính 324 mm và có khả năng phát hiện mục tiêu (cả chủ động và thụ động) trong phạm vi 1,1 - 2,5 km. Đáng chú ý, tên lửa này dường như được thiết kế để có thể cập nhật thông tin mới nhất về mục tiêu 2 lần trong hành trình bay.

Như đã nêu ở trên, chúng ta không nên phóng đại tầm quan trọng của hệ thống tên lửa lai này. Trong thực tế, nó có thể là một nỗ lực nhằm khắc phục điểm yếu đã tồn tại từ lâu trong hệ thống ASW của Trung Quốc: Đó là việc các máy bay trực thăng chống tàu ngầm của nước này không có khả năng mang theo nhiều ngư lôi đa năng. Tuy nhiên, những cải tiến ngày càng tăng trong trong khả năng chống tàu ngầm của Trung Quốc cũng không nên bị xem nhẹ.

Cùng với sự phát triển khác trong tác chiến chống ngầm, như việc tiết lộ về các mạng cảm biến trên biển mới trong vài năm qua hay kế hoạch triển khai 2 loại trực thăng chống ngầm mới thời gian tới, nỗ lực rõ ràng của Bắc Kinh nhằm hạn chế ưu thế dưới biển của Washington phải được nghiên cứu với sự cảnh giác tối đa.

Công Thuận (theo N.I)
Hé lộ tàu ngầm "siêu dị" mới của đặc nhiệm Hải quân Mỹ
Hé lộ tàu ngầm "siêu dị" mới của đặc nhiệm Hải quân Mỹ

Một chiếc tàu ngầm "kỳ dị" như hình ảnh dưới đây một ngày nào đó sẽ cùng lực lượng đặc nhiệm Hải quân Mỹ tiến hành các nhiệm vụ bí mật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN