Hệ quả là Washington trả đũa bằng việc loại bỏ hợp đồng bán máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời áp đặt lệnh trừng phạt với nền công nghiệp quốc phòng của nước này. Tổng thống Thổ Recep Tayyip Erdogan thanh minh rằng Ankara lẽ ra đã không phải mua S-400 từ Nga nếu Mỹ bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot.
“Chúng tôi mua vũ khí của riêng mình. Tôi nghĩ điều đó là hợp lý”, ông Erdogan trả lời báo New York Times. Khi được đề nghị bình luận về những căng thẳng khi Ankara quyết định bổ sung vũ khí Nga vào hệ thống phòng không của một nước thành viên NATO, ông đáp: “Chúng tôi có quyền củng cố hệ thống phòng thủ của mình khi chúng tôi muốn". Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhấn mạnh rằng bất chấp những căng thẳng, quan hệ của Ankara với Washington vẫn được duy trì mạnh mẽ.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ ý định mua lô S-400 thứ hai từ Nga trong tương lai. Lô đầu tiên được bàn giao vào năm 2019, đã gây ra một cuộc khủng hoảng lớn trong quan hệ quốc phòng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Mỹ đã loại Ankara khỏi chương trình phát triển máy bay chiến đấu F-35, cấm nước này mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cũng như cấm vận một công ty sản xuất quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm 2020.
Theo Đài Sputnik, Mỹ luôn phủ nhận việc từng từ chối bán hệ thống Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ trước khi nước này mua hệ thống của Nga. Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông, Ankara đã đóng băng các cuộc đàm phán với Washington về Patriot và tìm tới Nga sau khi phía Mỹ từ chối bán hệ thống phòng không theo hình thức cho vay và không kèm điều khoản chia sẻ công nghệ vào hợp đồng.
Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết đất nước của ông vẫn để ngỏ cơ hội mua Patriot từ Mỹ. Trước đó, Washington đã phát biểu rằng họ sẽ không bán Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ vì họ đã có S-400. Hôm 27/9, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez cảnh báo rằng Washington sẽ bổ sung các biện pháp trừng phạt mới với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này mua thêm S-400.
“Chúng tôi đã thể rõ quan điểm khi xây dựng Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA)”, Thượng nghị sỹ Menendez nói, đề cập đến luật năm 2017 nhằm ngăn chặn Nga xuất khẩu các loại vũ khí hiện đại ra nước ngoài.
Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cũng đã sử dụng Đạo luật CAATSA chống lại Trung Quốc, đồng thời đe dọa áp dụng với Ấn Độ, nước có thỏa thuận mua S-400 trị giá 5,5 tỷ USD với Moskva. New Delhi dự kiến nhận được lô S-400 đầu tiên vào tháng 11 tới.