Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) ngày 4/1 dẫn nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc cho biết tàu sân bay thứ ba với công nghệ giúp máy bay cất cánh hiện đại đang thành hình tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải.
Nguồn tin cho biết sẽ mất hai năm để hoàn thành riêng phần thân tàu sân bay này. Bên cạnh đó, việc đóng tàu sân bay thứ ba dự kiến phức tạp và nhiều thách thức hơn so với hai hàng không mẫu hạm trước đó là Liêu Ninh và lớp 001A.
Tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Cũng theo nguồn tin trên, nhân viên kỹ thuật và đóng tàu từ Thượng Hải và Đại Liên đã cùng hợp tác hoàn thiện tàu sân bay thứ ba với trọng lượng nước rẽ khoảng 80.000 tấn. Trong khi đó, trọng lượng nước rẽ của tàu Liêu Ninh là 60.000 tấn.
Nguồn tin còn nêu rõ rằng tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc sẽ được trang bị hệ thống giúp máy bay cất cánh bằng điện từ - công nghệ Mỹ đã mất hàng năm trời để phát triển. Hệ thống này tạo điều kiện để chiến đấu cơ xuất kích nhanh hơn.
Bên cạnh đó, tàu sân bay thứ ba sẽ có tháp điều khiển trên boong nhỏ hơn hai tàu trước đó để dành diện tích cho các tiêm kích J-15 vốn có kích thước lớn.
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC), đơn vị thi công tàu Liêu Ninh, khẳng định Bắc Kinh hiện có khả năng đóng mọi loại hàng không mẫu hạm. Một đơn vị gồm 5.000 nhân sự đã được thành lập để chuyên tâm phát triển hạm đội tàu sân bay cho Trung Quốc.
Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay lớp 001A vào ngày 26/4 tại Đại Liên tỉnh Liêu Ninh. Đây là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng hoàn toàn đồng thời là hàng không mẫu hạm thứ hai của quân đội quốc gia này. Tàu sân bay lớp 001A dự kiến sẽ đi vào hoạt động chính thức vào cuối năm 2018.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có tên Liêu Ninh vốn là hàng không mẫu hạm Varyag lớp Đô Đốc Kuznetsov chưa kịp hoàn thiện. Trung Quốc mua lại tàu Varyag từ Ukraine trong năm 1998 và chỉnh sửa lại hàng không mẫu hạm này thành tàu sân bay Liêu Ninh.
Hiện vẫn chưa rõ thời điểm tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc được hạ thủy. Chỉ biết Bắc Kinh đã lên kế hoạch đến năm 2030 có 4 hàng không mẫu hạm trong lực lượng hải quân.
Trong khi đó, hải quân Trung Quốc đang tự đào tạo phi công cho lực lượng này thay vì lựa chọn tuyển nhân sự từ không quân.