Dự án bí mật mà Ukraine không muốn công bố chi tiết này đã được quan chức cấp cao nhất lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu tiết lộ gần đây.
Theo báo Anh Telegraph, Tướng James Hecker, Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ ở châu Âu, miêu tả hệ thống cảm biến âm thanh mà Ukraine đang ứng dụng là một mạng lưới gồm hàng nghìn điện thoại di động được gắn vào các cột cao gần 2m. Công nghệ cảm biến âm thanh lần đầu được sử dụng cách đây 1 thế kỷ, dùng để phát hiện và đo sóng âm thanh, tín hiệu âm thanh trong môi trường.
Hệ thống cảm biến âm thanh này nằm trong mạng lưới chỉ huy và kiểm soát phòng không quốc gia của Kiev, còn được gọi là Virazh. Mạng lưới Virazh làm nhiệm vụ theo dõi và xác định các mối đe dọa trên không.
Tại Kiev, hệ thống cảm biến âm thanh thu thập những âm thanh đặc trưng từ môi trường. Sau đó, quân đội nước này sẽ dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để xem xét những âm thanh bất thường và xác định xem vật thể đang lao tới là máy bay không người lái cảm tử hay tên lửa.
Tiến sĩ Thomas Withington, một chuyên gia về phòng không tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, cho biết: “Thật thú vị khi thấy công nghệ này đang quay trở lại. Công nghệ này từng ‘làm mưa làm gió’ trước khi thế giới phát minh ra radar vào những năm 1920-1930. Theo một khía cạnh nào đó, lịch sử là một vòng tuần hoàn, nhưng chúng ta sẽ ứng dụng thêm công nghệ hiện nay”.
Thiết bị cảm biến cơ bản nhất mà Ukraine đang sử dụng do một tổ chức phi chính phủ có tên Skyfortress sản xuất. Thiết bị được triển khai tại các khu vực gần tiền tuyến ở Ukraine, chế tạo từ một điện thoại thông minh dùng hệ điều hành Android được đặt trong một chiếc hộp với một số thiết bị khác.
Trong quá trình sử dụng, điện thoại di động bật chế độ ghi âm liên tục để phát hiện âm thanh trong môi trường. Sau đó, nó sẽ truyền dữ liệu qua mạng điện thoại di động về trung tâm phân tích.
Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov từng miêu tả: “Hệ thống cảm biến này thực sự hữu ích cho chúng tôi khi hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra trên bầu trời. Đó là một công nghệ đột phá mang tính cách mạng”.
Chính phủ Ukraine cũng đã gây quỹ để mua thêm 12.500 cảm biến do công ty Ajax Systems của Ukraine chế tạo và đặt chúng ở các điểm nóng như Sumy, Odesa, Mykolaiv và Kherson.
Bên cạnh hệ thống cảm biến âm thanh cơ bản, lực lượng vũ trang Ukraine còn đang sử dụng hệ thống Zvook với cơ chế hoạt động tương tự để cung cấp hình ảnh rõ hơn của những thứ xuất hiện trên trời.
Thay vì điện thoại di động, hệ thống Zvook sử dụng máy vi tính, có khả năng phát hiện máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo lần lượt ở khoảng cách 5, 6 và 10 km. Công nghệ AI sẽ giúp hệ thống phân biệt giữa tiếng của một con bò và máy bay không người lái đang lao tới. Với sự trợ giúp ban đầu của Zvook, quân đội Ukraine sau đó có thể bật hệ thống radar để rà soát một khu vực cụ thể.
"Nó đóng vai trò như một hệ thống phụ trợ. Nó không thay thế radar mà làm cho radar hoạt động hiệu quả hơn”, Maryan Sulym, Giám đốc điều hành Zvook nói với The Telegraph. Zvook hiện bao phủ 5% lãnh thổ Ukraine với 210 cảm biến. Zvook ước tính có thể phủ sóng toàn bộ đất nước bằng 8.000 thiết bị, với chi phí sản xuất khoảng 504 USD.
Tướng Hecker cho biết các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hiện cũng xem xét liệu có đưa công nghệ này trở lại để củng cố mạng lưới phòng không hay không.
Trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, hệ thống cảm biến âm thanh được xây dựng trên bờ biển Kent của Anh. Cấu trúc mái vòm bê tông khổng lồ được sử dụng để khuếch đại âm thanh của máy bay địch đang lao tới. Từ đó, người đánh giá có thể so sánh âm thanh phản xạ để tính toán độ cao, tốc độ và đường bay của vật thể đang bay tới.