Một ngôi nhà bị phá hủy trong cuộc không kích của không quân Iraq tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu IS ở thành phố Fallujah do IS kiểm soát. Ảnh: THX-TTXVN |
Đài Sputnik đêm 22/1 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khalid Al Obeidim nhận định khá tích cực về vũ khí Nga. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Iraq nêu rõ: "Phần lớn các máy bay của Không quân chúng tôi cùng với vũ khí đều do Nga sản xuất. Trong các trận chiến, vũ khí Nga hiệu quả nhất. Nga đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ, trang bị cho chúng tôi vũ khí và trang thiết bị, góp phần đáng kể vào trong hoạt động chống IS".
Trong khi đó, những khảo sát thực địa tại miền Bắc Iraq của phóng viên hai kênh Truyền hình Bắc Đức (NDR) và Truyền hình Tây Đức (WDR) cho thấy, súng trường và súng ngắn mà Đức cung cấp cho lực lượng người Kurd đã xuất hiện tại thị trường chợ đen.
Theo kết quả cuộc khảo sát trên, ở thành phố Erbil, miền Bắc Iraq, nhiều khẩu súng trường G3 và súng ngắn của Đức đang được bày bán công khai tại tại một khu chợ buôn bán vũ khí.
Về mặt lý thuyết, những thiết bị này được Bộ Quốc phòng Đức cung cấp riêng cho lực lượng vũ trang người Kurd để chiến đấu chống lại IS. Tuy nhiên, trên thực tế những khẩu súng quân dụng ghi rõ nhà sản xuất Heckler&Koch của Đức và ký hiệu "Bw" (Bundeswehr/ hay Quân đội Đức) lại đang được bán trên thị trường chợ đen ở Erbil với giá từ 1.450 đến 1.800 USD.
Trong khi đó, tại thành phố Sulaimaniya, thành phố lớn thứ hai ở khu tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq, người ta còn có thể đặt mua các khẩu súng trường G36, loại súng trường hiện đại nhất do Đức sản xuất, với giá 5.000 USD. Nhiều khẩu súng lục 9mm loại "Walther P1" cũng có thể được mua tại đây với giá 1.200 USD.
Theo một số nguồn tin, năm 2015, quân đội Đức đã chuyển khoảng 12.000 súng trường G3, 8.000 súng trường G36 và 8.000 súng lục P1 cùng nhiều loại đạn và một số thiết bị tên lửa chống tăng, súng tiểu liên, lựu đạn đến miền Bắc Iraq. Số vũ khí được bán ngoài chợ đen có thể do những chiến binh người Kurd Pershmerga rời khỏi lực lượng nhưng không giao nộp lại vũ khí và bán ra ngoài.
Phản ứng trước thông tin này, Bộ Quốc phòng Đức ngày 22/1 tuyên bố trách nhiệm thuộc về chính quyền người Kurd ở miền Bắc Iraq khi đã cam kết với Đức về việc kiểm soát những vũ khí mà Đức cung cấp. Bộ Quốc phòng Đức cũng cho biết sẵn sàng tiếp nhận các thông tin và sẽ tiến hành rà soát tình trạng này. Trong khi đó, các đảng đối lập tại Đức lên tiếng yêu cầu Bộ Quốc phòng phải dừng ngay việc cung cấp vũ khí cho người Kurd và làm rõ vụ việc trên.