Tờ The Guardian (Anh) ngày 20/1 đưa tin, IS mới đây tuyên bố sẽ cắt giảm 1/2 lương tháng đối với tất cả các chiến binh thánh chiến, do phải đối mặt với “tình huống đặc biệt” về kinh tế. Cụ thể, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) đã cho đăng tải văn bản bằng tiếng Arab được cho là thông báo chính thức của IS. Tài liệu ghi: “Do đang phải trải qua thời kì đặc biệt, Nhà nước Hồi giáo đi tới quyết định cắt giảm 1/2 lương tháng đối với các chiến binh thánh chiến. Không có ngoại lệ trong việc áp dụng, bất kể là ở cương vị nào”.
Văn bản được cho là thông báo của IS về việc cắt giảm 50% lương của các chiến binh. Ảnh: The Independent |
Ông Ramia Abdel Rahman, Giám đốc SOHR nhìn nhận, quyết định này đồng nghĩa với việc các chiến binh người gốc Syria chỉ nhận được khoản tiền 200 USD/tháng. Phần tử thánh chiến nước ngoài (lương cao gấp đôi “lính” Syria) nhận mức lương 400 USD/tháng. Quyết định này được cho là xuất phát từ tình hình tài chính khó khăn của IS, do nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm mạnh, khi Nga và liên quân do Mỹ đứng đầu liên tiếp dội bom các cơ sở hạ tầng dầu mỏ tại các vùng lãnh thổ do quân khủng bố kiểm soát.
Tìm kiếm "thiên đường" mới ở Libya
Tháng 1/2016 chứng kiến sự gia tăng mạnh của dòng chiến binh thánh chiến IS đổ sang Libya, sau khi chúng bị đánh rát mặt ở Syria và Iraq. Quân khủng bố dường như đang tìm kiếm một thiên đường ẩn náu mới ở Libya, trong bối cảnh hai thủ phủ của chúng là Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria) bị đặt trong tầm tấn công của máy bay Nga, Mỹ, quân đội Syria, các lực lượng vũ trang Iraq. IS toan tính chiếm giữ các mỏ dầu ở Cyrenaica, miền Đông Libya, để bù vào lượng dầu thiếu hụt từ các mỏ ở Iraq và Syria do bị đánh sập.
"Cờ đen" của IS xuất hiện trên mái nhà Trung tâm Hội nghị Ougadougou ở Sirte, Libya. Ảnh: Reuters |
Sự trỗi dậy của IS tại Libya, nhất là quanh sào huyệt lớn có tầm quan trọng về địa lý - thành phố Sirte, được tích hợp không chỉ bởi dòng thánh chiến từ Iraq, Syria đổ sang, mà còn có các chiến binh đến từ Ai Cập, Tunisia, Sudan và Mali. Một “đồng minh” khác của IS là nhóm cực đoan Boko Haram cũng đang dự tính di chuyển lãnh địa, từ vùng Đông Bắc Nigeria tới tụ họp ở Libya. Nguyên do là bởi Boko Haram đang thất thế trước các đợt tấn công trấn áp của các lực lượng vũ trang Nigeria cùng với lực lượng hỗn hợp đa quốc gia (MNJTF) gồm Nigeria, Chad, Niger và Cameroon.
Các cơ quan tình báo Mỹ tiết lộ, đã có hàng trăm chiến binh cùng hàng chục chỉ huy, thủ lĩnh IS di chuyển sang Libya chỉ trong vài tuần qua. IS đã chỉ thị nhóm tuyển mộ hối thúc chiến binh nước ngoài muốn gia nhập tổ chức thì nên tới Libya thay vì Syria. Lý do là bởi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ gần đây thắt chặt kiểm soát biên giới, làm cho việc thâm nhập vào Syria nói chung và “thủ đô” Raqqa nói riêng gặp khó. Quân khủng bố IS đã sớm “nhòm ngó” Libya trong năm 2015, với việc tiến vào thành phố Darnah nhưng bị đánh bật vào tháng 7 sau đó. Tại “sào huyệt” ở Sirte, IS giờ đã có kênh phát thanh chính thức Al Bayan, phát sóng từ tháng 6/2015.
Các thủ lĩnh IS cũng tuyên bố nắm quyền quyền kiểm soát thị trấn duyên hải Bin Jawad, miền đông Sirte, cùng với đó là sự hiện diện mạnh mẽ tại các địa bàn lân cận như Al Nawfaliyah, Al Sidra và Ras Lanuf – những khu vực sản xuất dầu mỏ chủ chốt. Ngoài ra, quân khủng bố được cho là đã tạo dựng được các mạng lưới ngầm ở Benghazi Tripoli.
Báo cáo mới đây Liên hợp quốc nói rằng, có khoảng 2.000-3.000 tay súng IS ở Libya, chủ yếu là ở Sirte và quân khủng bố rất tích cực tuyển mộ thành viên mới từ các nước thuộc vùng Tiểu Sahara. Tuy nhiên, theo ước tình của Trung tâm Nghiên cứu Khủng bố Libya (LCTS), số lượng các phần tử thánh chiến IS tại quốc gia này hiện đã vượt 10.000 tên và đang tiếp tục gia tăng.