Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc, trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), những quan chức trên chỉ ra rằng các vụ phóng của Triều Tiên được thực hiện vào thời điểm Seoul cho rằng ổn định các điều kiện an ninh là rất quan trọng. Cuộc họp của ủy ban thường vụ NSC do Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc Suh Hoon chủ trì.
Các thành viên NSC đã nhất trí tham vấn chặt chẽ với Mỹ và các bên liên quan khác, đồng thời tiến hành phân tích kỹ lưỡng về bối cảnh và ý định liên quan.
Cùng ngày, đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc Noh Kyu-duk đã có cuộc điện đàm riêng với những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản để thảo luận về các diễn biến mới này trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Noh Kyu-duk và đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim đã trao đổi nhận định về việc Triều Tiên phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn trước đó cũng như thảo luận về các phản ứng chung trong thời gian tới. Hai quan chức “nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và các vấn đề khác trong bối cảnh hai nước đang tìm cách duy trì ổn định tình hình trên Bán đảo Triều Tiên”.
Trong cuộc điện đàm tiếp theo, ông Noh Kyu-duk và Vụ trưởng Vụ Châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Takehiro Funakoshi đã đồng ý tiếp tục trao đổi dựa trên kết quả các cuộc đàm phán ba bên giữa ba đặc phái viên hạt nhân tại Tokyo vào đầu tuần này.
Trước đó, cùng ngày, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo ra Biển Nhật Bản. Trong phản ứng của mình, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cũng cho biết vật thể phóng nói trên có thể là tên lửa đạn đạo và vật thể này đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Vụ phóng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên thông báo thử thành công một tên lửa hành trình tầm xa mới hồi cuối tuần trước, gọi đây là "một vũ khí chiến lược có tầm quan trọng lớn". Các chuyên gia phân tích cho biết tên lửa này có thể là vũ khí đầu tiên của Triều Tiên có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Đây có thể sẽ đánh dấu một bước tiến trong công nghệ vũ khí của Triều Tiên, cho thấy khả năng né tránh các hệ thống phòng thủ cao hơn.
Triều Tiên đang chịu các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc liên quan đến vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo, song không bị cấm phát triển tên lửa hành trình mà nước này vừa thử nghiệm cuối tuần qua.