Tuyên bố nêu rõ Washington đánh giá vụ phóng này không gây mối đe dọa tức thời đối với người dân hoặc lãnh thổ của Mỹ cũng như các đồng minh. Theo Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vụ phóng này cho thấy tác động gây bất ổn của chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Cùng ngày, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết ông nhất trí với quan điểm của Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên rằng vụ phóng này vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã phóng hai tên lửa đạn đạo ra Biển Nhật Bản. Trong phản ứng của mình, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cũng cho biết vật phóng nói trên có thể là tên lửa đạn đạo và vật thể này đã rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.
Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc và JCG đều không cung cấp thêm thông tin chi tiết như loại tên lửa cũng như tầm bắn của tên lửa này.
Vụ phóng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên thông báo thử thành công một tên lửa hành trình tầm xa mới hồi cuối tuần trước, gọi đây là "một vũ khí chiến lược có tầm quan trọng lớn". Các chuyên gia phân tích cho biết tên lửa này có thể là vũ khí đầu tiên của Triều Tiên có thể gắn đầu đạn hạt nhân. Đây có thể sẽ đánh dấu một bước tiến trong công nghệ vũ khí của Triều Tiên, cho thấy khả năng né tránh các hệ thống phòng thủ cao hơn.
Triều Tiên hiện đang chịu các lệnh trừng phạt của LHQ liên quan đến vũ khí hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo, song không bị cấm phát triển tên lửa hành trình mà nước này vừa thử nghiệm cuối tuần qua.
Trước đó, từ đầu năm Triều Tiên đã tiến hành 3 vụ phóng gồm: 2 tên lửa đạn đạo vào ngày 25/3; 2 tên lửa hành trình vào ngày 21/3 và ngày 22/1. Các chuyên gia nhận định Bình Nhưỡng dường như đang sử dụng các vụ thử tên lửa lặp đi lặp lại này để gây thêm áp lực đối với Mỹ, buộc nước này phải xem xét giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.