10 sự kiện nổi bật của TP Hồ Chí Minh năm 2018

Từ 35 sự kiện được các cơ quan báo chí đề cử và được 17 thành viên Hội đồng bình chọn, TP Hồ Chí Minh đã chọn ra 10 sự kiện nổi bất nhất trên 6 lĩnh vực chính trị, kinh tế, đô thị, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng, đối ngoại.

Ngày 27/12, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, 10 sự kiện tiêu biểu 2018 của thành phố được lựa chọn dựa trên tiêu chí là những sự kiện mang tính tích cực và là những điểm sáng của TP Hồ Chí Minh trong 1 năm vừa qua. Đây chính là tiền đề để giúp TP Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Chú thích ảnh
Ông Dương Anh Đức công bố các sự kiện bật năm 2018 của TP Hồ Chí Minh.

Báo Tin tức xin gửi đến độc giả nội dung 10 sự kiện nổi bật của TP Hồ Chí Minh năm 2018:

1. Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 19

Từ tháng 12/2017, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều chương trình quy mô lớn kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (19 - 2018); khánh thành Bia tưởng niệm Chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 19 tại địa chỉ 108 Nguyễn Du - Quận 1; tổ chức họp mặt truyền thống… Cùng với đó là các hoạt động đền ơn đáp nghĩa; tuyên truyền cổ động và triển lãm hình ảnh, hiện vật tại hệ thống các bảo tàng, nhà triển lãm trên địa bàn thành phố; biểu diễn văn nghệ tại Trung tâm văn hóa 24 quận huyện của thành phố.

2. Triển khai 16 nội dung thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội - động lực mới cho sự phát triển của thành phố

Chú thích ảnh
HĐND TP Hồ Chí Minh họp thông qua các nội dung cần triển khai của Nghị quyết số 54.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch thực hiện. Đến nay, UBND TP Hồ Chí Minh đã trình và được Hội đồng nhân dân thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân thảo luận, thông qua 16 nội dung cụ thể. Việc triển khai các nội dung bước đầu đạt một số kết quả tích cực, các cơ chế, chính sách ban hành đã góp phần sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức; khuyến khích, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt tham gia đóng góp cho sự phát triển của thành phố; khuyến khích các cơ sở sản xuất tiết kiệm hơn nữa việc sử dụng nước sạch; lòng đường, vỉa hè trên 23 tuyến đường thu phí đỗ xe ô tô trở nên thông thoáng; tiến độ thực hiện các dự án nhóm A (dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng xây dựng Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, dự án Xây dựng Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ, dự án đầu tư xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch tại Quận 2) và các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên 10 ha (35 dự án, diện tích trên 3.870 ha) được đẩy nhanh hơn khá nhiều; việc thực hiện ủy quyền cho sở ban ngành, quận huyện thực hiện các thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, thủ tục, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân, doanh nghiệp.

3. Kinh tế thành phố đạt và vượt 17 chỉ tiêu quan trọng

Năm 2018, TP Hồ Chí Minh đã đạt và vượt 17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 8,3%, đạt chỉ tiêu đề ra; cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh, 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng cao nhất 57,1% trong tổng GRDP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,2% so cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt ,32 tỷ USD, tăng 7,8% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 9,3% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,15% so cùng kỳ, bốn ngành công nghiệp trọng yếu tăng 9,25% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung toàn ngành. Ngành nông nghiệp đạt giá trị sản xuất hơn 20 ngàn tỷ đồng, tăng 6,2% so cùng kỳ.

Chú thích ảnh

Thành phố đã công bố nhóm sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp chủ lực nhằm định hướng, có chiến lược và giải pháp tích cực để phát triển mạnh mẽ hơn. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 35% so GRDP. Thành phố thu hút đầu tư nước ngoài đạt 7,07 tỷ đô-la Mỹ, tăng 7% so cùng kỳ. Hoạt động thu ngân sách Nhà nước dù chỉ tiêu giao cao nhưng cũng có nhiều nỗ lực, đạt 98,1% dự toán, tăng 7,14% so cùng kỳ.

4. Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh 2018

Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh 2018 với chủ đề "Kiến tạo đô thị sáng tạo, tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp" thu hút sự tham gia của hơn 800 học giả, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, doanh nhân trong nước và quốc tế, Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức nhằm trao đổi và chia sẻ về cuộc cách mạng và công nghiệp 4.0; xu hướng các mô hình, vai trò tác động của các đô thị sáng tạo đối với việc tăng tốc phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia, địa phương theo hướng phát triển nhanh và bền vững, giới thiệu chủ trương xây dựng khu vực phía Đông thành phố theo xu hướng đô thị sáng tạo.

Diễn đàn cũng thảo luận vai trò doanh nghiệp trong việc xây dựng khu đô thị sáng tạo, lắng nghe các sáng kiến kết nối giữa 4 nhà “nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính” trong việc nâng cao năng lực sáng tạo và hiệu quả đổi mới.

5. TP Hồ Chí Minh đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế

Năm 2018, thành phố tiếp tục tập trung đầu tư phát triển ngành du lịch theo đúng định hướng bằng nhiều giải pháp hiệu quả. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào du lịch ngày càng mạnh mẽ như: ra mắt phần mềm ứng dụng du lịch thông minh, ứng dụng thực tế ảo VR và thực tế tăng cường AR trong việc giới thiệu điểm đến du lịch thành phố, đẩy mạnh ứng dụng QR code trong việc lưu hành các tài liệu…

Chú thích ảnh
Các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố luôn thu hút du khách trong và ngoài nước.

Những hoạt động tích cực đã đem lại hiệu quả thiết thực, thành phố đã đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 18% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 50% tổng lượng khách quốc tế của cả nước. Thành phố thuộc “Top 10 điểm đến Châu Á tuyệt vời” theo Tạp chí Lonely Planet bình chọn, “Top 25 điểm đến hấp dẫn Châu Á” theo trang du lịch nổi tiếng Trip Advisor bình chọn.

6. TP Hồ Chí Minh: Hành trình hướng đến đô thị thông minh

Thành phố đã triển khai đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2025”. Các nội dung kế hoạch được triển khai khẩn trương, đảm bảo tiến độ. Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở tập trung vào mô hình dữ liệu trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, người dân và hạ tầng đô thị; Trung tâm điều hành đô thị thông minh xây dựng phương án, mô hình, thiết kế cho hệ thống giám sát, tích hợp camera dùng chung cho thành phố, mở rộng Cổng thông tin tiếp nhận sự cố hạ tầng kỹ thuật 1022 thành Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức, tiến hành mời gọi đầu tư cho Trung tâm điều hành giao thông thông minh theo hình thức hợp tác công tư PPP.

Việc xây dựng Trung tâm an toàn thông minh thành phố đã hoàn thành Đề án thành lập Công ty Cổ phần vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố. Việc xây dựng Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội của thành phố đã hoàn thành dự thảo Đề án thành lập, cuối năm 2018 ra mắt phòng mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội nhằm trước mắt phục vụ công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI. Thành phố công bố kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng dựa trên 4 kiến trúc thành phần cơ bản là nghiệp vụ, dữ liệu, ứng dụng và công nghệ theo nguyên tắc linh động, có khả năng mở rộng và thực tiễn.

7. Hoàn thành trước 2 năm mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020

Cuối năm 2015, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo của thành phố áp dụng giai đoạn 2016-2020 với tiêu chí thu nhập cao gấp 1,95 lần chuẩn nghèo quốc gia và tiêu chí đa chiều phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và đặc điểm dân cư thành phố. Cả hệ thống chính trị từ thành phố đến quận-huyện, các phường-xã, ấp, khu phố, tổ nhân dân, tổ dân phố đã đồng lòng, chung tay thực hiện giảm nghèo; nguồn vốn ưu đãi tập trung hỗ trợ cho vay đạt trên 3 ngàn tỷ đồng, trong 03 năm đã hỗ trợ cho vay gần 100 ngàn lượt hộ/dự án, góp phần hỗ trợ các hộ có điều kiện sản xuất làm ăn, nâng cao thu nhập; đào tạo nghề ngắn hạn cho gần 15 ngàn lao động nghèo và cận nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 36 ngàn lao động; miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 223 ngàn lượt học sinh diện hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 140 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2018, công tác giảm nghèo đã đạt dấu mốc quan trọng khi chỉ qua 3 năm 2016-2018, có hơn 59.600 hộ nghèo vượt chuẩn nghèo và hơn 58.300 hộ cận nghèo vượt chuẩn cận nghèo; thành phố hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016- 2020 trước 2 năm.

Từ kết quả tích cực đã đạt được, tại kỳ họp cuối năm 2018 của Hội đồng nhân dân thành phố, UBND thành phố đã trình và được thông qua việc điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo và hộ cận nghèo thành phố giai đoạn 2019-2020, theo đó tiêu chí thu nhập hộ nghèo bình quân 28 triệu đồng/người/năm trở xuống và mức chuẩn hộ cận nghèo có thu nhập trên 28 triệu đồng đến 36 triệu đồng/người/năm. Từ đây, công tác giảm nghèo của thành phố bước sang chặng đường mới nhằm hiện thực hóa mong muốn ngày càng nâng cao chất lượng đời sống người dân thành phố.

8. Giải thưởng sáng tạo TP Hồ Chí Minh

Trong những năm qua, thành phố đã phát động và triển khai các phong trào sáng tạo cho từng nhóm đối tượng khác nhau thông qua các giải thưởng, cuộc thi, hội thi như: Giải thưởng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hội thi sáng tạo kỹ thuật; cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi; giải thưởng sáng chế TP Hồ Chí Minh, giải thưởng Tôn Đức Thắng, giải thưởng công nghệ thông tin và truyền thông thành phố; giải thưởng văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh, giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học- Euréka,…Tuy nhiên, tiềm năng nghiên cứu sáng tạo, đổi mới của thành phố còn rất lớn.

Nhằm phát huy tiềm năng ấy, thành phố đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Khơi dậy và phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để phát triển TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo”. Hội thảo đã phân tích rõ cơ sở của sự năng động, sáng tạo; đánh giá toàn diện và sâu sắc về những sáng tạo trong thực tiễn xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố; đồng thời đề xuất các cách làm khơi dậy, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân để xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố.

Hơn thế nữa, để khơi dậy nguồn sáng tạo ngày càng sâu sắc hơn, đưa sáng tạo trở thành một xu hướng của xã hội, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đổi mới sáng tạo, thành phố phát động Giải thưởng sáng tạo lần thứ nhất vào tháng 12 năm 2018. Đây là giải thưởng được tổ chức 2 năm 1 lần nhằm để tôn vinh các tập thể, cá nhân ở 7 nhóm lĩnh vực: kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; tác phẩm, sáng tác của văn nghệ sĩ; cải cách hành chính; các sản phẩm truyền thông sáng tạo; các giải pháp, mô hình triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các mô hình khởi nghiệp sáng tạo có hiệu quả cao; các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản mới, trình độ quốc gia.

9. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn địa bàn

Nhận thức chính xác tình hình và xác định rõ vai trò, trách nhiệm, lãnh đạo thành phố đã nhạy bén đề ra nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Do đó, đã đối phó kịp thời với những phương thức thủ đoạn mới của các thế lực thù địch; đập tan âm mưu kích động biểu tình, gây rối trên địa bàn thành phố; khám phá và kịp thời ngăn chặn một số âm mưu khủng bố, phá hoại của bọn phản động; nhanh chóng đưa ra xử lý trước pháp luật nhiều đối tượng, thu giữ nhiều tang vật, phương tiện chống phá.

Lãnh đạo thành phố cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Phạm pháp hình sự tiếp tục được kéo giảm và là năm thứ tư liên tiếp kéo giảm tội phạm; tỷ lệ điều tra khám phá án cao hơn so cùng kỳ; triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động chuyên nghiệp; các vụ án đặc biệt nghiêm trọng được truy xét khám phá nhanh. Triệt phá nhiều chuyên án ma túy, thu giữ khối lượng lớn ma túy tổng hợp. Tai nạn giao thông được kéo giảm cả 3 mặt (số vụ, số người chết, số người bị thương) so cùng kỳ. Thành phố cũng đã đảm bảo an ninh, an toàn các sự kiện chính trị, lễ hội, các đoàn khách quốc tế đến thăm thành phố, tạo môi trường bình yên cho người dân sinh sống, học tập, làm việc và du lịch.

10. Chương trình giao lưu văn hóa - thương mại các nước ASEAN

Năm 2018, Lãnh đạo thành phố đã dẫn đầu 19 đoàn đi công tác nước ngoài, đón tiếp trọng thể, chu đáo hơn 110 đoàn khách quốc tế, có hơn 170 cuộc tiếp khách đối ngoại với các nội dung đa dạng về tìm hiều, hợp tác phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội; tổ chức thành công gần 50 sự kiện đối ngoại.

Đặc biệt, từ ngày 18 - 22 tháng 4 năm 2018 tại Công viên 23/9, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Chương trình giao lưu văn hóa - thương mại các nước ASEAN 2018 với chủ đề “Vì một Cộng đồng kinh tế ASEAN phát triển và thịnh vượng”. Đây là sự kiện tiếp nối thành công chuỗi các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm 50 năm thành lập khối ASEAN, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước ASEAN và các đối tác quốc tế, đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục và giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia khác.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh triển khai 7 nhóm giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông
TP Hồ Chí Minh triển khai 7 nhóm giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, đến tháng 12/2018 trên địa bàn thành phố chỉ còn 28 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông; trong đó có 14 điểm chuyển biến tốt, 7 điểm có chuyển biến phức tạp và 7 điểm không chuyển biến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN