Mỗi năm, 1.900 cán bộ giám định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải xử lý một khối lượng công việc khổng lồ với hơn 100 triệu hồ sơ bệnh án. Trong đó, khó khăn nhất với họ là phải “gồng mình” đối phó với 1.001 chiêu “rút ruột” quỹ bảo hiểm y tế.
Giai đoạn từ 2009 - 2011, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phát hiện hàng loạt hành vi lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế tại 13 tỉnh, thành phố. Ngành đã thu hồi hoặc không chấp nhận thanh toán cho các cơ sở y tế vi phạm hơn 58 tỷ đồng. Tuy nhiên, rất có thể con số này mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”.
Lạm dụng chẩn đoán hình ảnh
“Sau khi có thông tin phản ánh về tình trạng chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật đắt tiền (chụp cộng hưởng từ (MRI), CT - scanner, các loại xét nghiệm...) quá mức cần thiết tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Bình Định, chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra về Bình Định để làm rõ thực hư”, ông Nguyễn Tá Tỉnh, Phó Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH VN), cho biết.
Hầu hết các bệnh viện được thanh, kiểm tra đều lạm dụng chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Trong quá trình thu thập thông tin, chứng cứ, ngay các cán bộ của đoàn kiểm tra cũng “tá hỏa” vì khả năng chỉ định các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao tại BVĐK Bình Định. Nhiều bệnh nhân cho biết: Nhiều khi, nửa đêm bệnh nhân cũng bị nhân viên y tế đánh thức để yêu cầu đi chụp MRI”. Có trường hợp sản phụ “mẹ tròn con vuông” ra viện rồi cũng được “Alô...” để yêu cầu quay lại BV chụp MRI vì “nếu không quay lại chụp MRI, sản phụ có băng huyết thì BV không chịu trách nhiệm đâu”... Sản phụ đó đã phải quay trở lại BV, dù trong lòng rất băn khoăn, khó chịu.
Kết quả thanh, kiểm tra sau đó khẳng định BVĐK Bình Định cũng đã chỉ định sử dụng các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết. Nhiều trường hợp mắc các bệnh như bị u nang buồng trứng, bướu giáp nhân... chỉ cần siêu âm cũng có kết quả chẩn đoán tốt nhưng BV vẫn chỉ định chụp MRI. Việc chỉ định cho bệnh nhân chụp MRI không những được thực hiện đối với các bệnh nhân điều trị ngoại khoa, nội khoa mà còn được chỉ định khá phổ biến ở những chuyên khoa khác như: khoa Phục hồi chức năng (20,9% bệnh nhân được chỉ định chụp MRI), khoa Khám bệnh đông y (10,4%)... Do đó, phần chi phí từ các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh tại BVĐK tỉnh Bình Định chiếm tới 49% trong cơ cấu chi phí khám, điều trị ngoại trú và chiếm gần 29% trong chi phí điều trị nội trú. Trong khi đó, các tỉ lệ này của cả nước chỉ ở mức 10 - 12%.
Đáng nói, hầu hết các BV được thanh, kiểm tra đều có tình trạng lạm dụng chẩn đoán hình ảnh quá mức cần thiết. Đây được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bội chi quỹ tại các cơ sở này. Và nếu ngành BHXH không kiểm soát, phát hiện những hành vi lạm dụng dịch vụ, kỹ thuật (như đã nêu) thì các cơ sở y tế này sẽ đương nhiên được “ẵm” một số tiền rất lớn (có thể tính bằng tiền tỷ) do quỹ BHYT chi trả.
Người bệnh cũng mất tiền oan
Tại BVĐK Phú Thọ, Đoàn kiểm tra phát hiện tình trạng cố tình chẩn đoán thật nhiều bệnh trên một bệnh nhân để có lý do triển khai thật nhiều dịch vụ kỹ thuật. Việc tất cả các bệnh nhân khi vào viện đều phải làm các dịch vụ kỹ thuật có giá thành cao vừa để “rút ruột” quỹ BHYT vừa gây lãng phí tiền của bệnh nhân (vì họ cũng phải cùng chi trả từ 5 - 20% chi phí KCB).
Do các bác sỹ “mạnh tay” chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao, BVĐK Phú Thọ đã cho máy siêu âm hoạt động vượt quá công suất. Theo đó, thời gian cần thiết để hoàn thành 1 lần siêu âm ổ bụng từ 5 - 7 phút, siêu âm tim khoảng 25 - 30 phút, nhưng tại BV này, số ngày có tổng số lần siêu âm trên 160 lần/máy rất phổ biến. Thậm chí, có nhiều ngày máy siêu âm thực hiện hơn 250 ca. Như vậy, thời gian siêu âm cho một bệnh nhân rất ngắn (1 - 3 phút), không có giá trị hoặc ít có giá trị về thăm khám và theo dõi chữa trị...
Theo ông Nguyễn Tá Tỉnh, mối quan tâm nhất của ngành BHXH nói chung và các cán bộ giám định BHYT nói riêng là làm sao đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế cho người bệnh và để nguồn quỹ BHYT được sử dụng có hiệu quả nhất. Nhưng để đưa ra được những chứng cứ, lý lẽ khiến các BV có hành vi lạm dụng quỹ BHYT thừa nhận hành vi sai phạm là không hề đơn giản. Nhiều cuộc kiểm tra, lãnh đạo quản lý từ TƯ phải xuống địa phương và phải mất cả tháng ròng để tập trung xử lý quyết liệt những tình huống phức tạp.
“Một bệnh nhân vừa siêu âm ổ bụng, vừa siêu âm tim, vừa siêu âm nội soi trong có 5 phút sẽ không thể đảm bảo độ chính xác. Như vậy, rất có thể tim của bệnh nhân không bình thường nhưng vẫn được nhận kết quả siêu âm bình thường. Do đó, khi thấy có dấu hiệu lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, chúng tôi phải đấu tranh rất mạnh cả về khía cạnh chuyên môn, chỉ cho bệnh viện những hành vi không hợp lý và yêu cầu họ phải điều chỉnh kịp thời...”, ông Nguyễn Tá Tỉnh khẳng định.
Phương Liên
Bài 2: “Ép” người bệnh... dùng thêm thuốc, thủ thuật