11 năm đi tìm mộ chiến sỹ làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào

Sau 11 năm tìm kiếm, sưu tầm tài liệu, hồ sơ, tìm hiểu thông tin của bà con các Bộ tộc Lào và thông tin trực tiếp từ các nhân chứng là các cựu chiến binh đại đội C63, tiểu đoàn D923 Bộ tư lệnh 959..., Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ - Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện và cất bốc hài cốt 37 liệt sĩ, gồm 16 liệt sỹ được chôn cất rải rác và một ngôi mộ tập thể chôn 21 liệt sỹ đều thuộc đại đội C63 - D923 Bộ tư lệnh 959 đã hy sinh tại sân bay Na Khằng (Bản Pha Lang, huyện Viên Thoong, tỉnh Hủa Phăn, Lào).


 

Quang cảnh buổi lễ an táng hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh ở nước Lào về nước tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồng Tâm (Thanh Hóa). Ảnh: http://www.qdnd.vn

Vào đầu tháng 5/2012, Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ đã đưa được các anh về với Tổ quốc, lưu danh tên tuổi các anh cùng non sông, đất nước tại Nghĩa trang Bá Thước, Thanh Hoá.

Tại buổi lễ truy điệu, an táng hài cốt 37 liệt sỹ C63 cùng các liệt sỹ khác, các cựu chiến binh C63 đã không kìm nén được xúc động trước các anh linh đồng đội. Đã 45 năm trôi qua, các bác vẫn còn nhớ như in từng khuôn mặt, đôi mắt, kỷ vật, kỷ niệm của 37 đồng đội thuộc C63 đã một thời sinh tử với nhau. Vậy mà khi đồng đội của mình đã ở bên cạnh, các bác lại không thể gọi được tên từng người bởi tên các anh giờ đây chỉ còn một cái tên chung, tên của Tổ quốc.

Bác Nguyễn Công Nhuế (Cảnh Hưng, Tiên Du, Bắc Ninh) nguyên là Chính trị viên C63 nhớ lại: Vào tháng 2/1967, các chiến sỹ C63 D923, Bộ tư lệnh 959 nhận lệnh tấn công sân bay Na Khằn. Các chiến sỹ của ta đã làm chủ được trận địa từ 5 giờ đến 9 giờ sáng. Sau đó, địch điều động 6 tiểu đoàn phản công và sử dụng máy bay yểm trợ, điên cuồng tấn công khiến các chiến sỹ của ta đều hy sinh, chỉ còn lại 4 người còn sống sót trong đó có bác Nhuế do được lệnh rút khỏi trận địa. Đã 45 năm đi qua, việc các đồng đội vẫn chưa được về với Tổ quốc, quê hương luôn làm các bác day dứt.

Năm 2001, khi có được sự liên hệ với Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ BCHQS tỉnh Thanh Hoá, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng các bác vẫn quyết tâm cùng anh em trong Đội sang tận nước bạn Lào tìm kiếm đồng đội mình. Thượng tá Lê Bật Phong, đội trưởng Đội Quy tập hài cốt Liệt sỹ BCHQS tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ năm 2001 đội đã nhận được thông tin có một phần mộ với 21 liệt sỹ của ta đã bị địch chôn dưới một hố bom nhưng chưa đủ hồ sơ, tài liệu, nhân chứng, sơ đồ để tìm kiếm cất bốc đồng đội đưa về Tổ quốc.

Đội đã phối hợp với các cựu chiến binh đoàn 923 tổ chức nhiều lần khảo sát, tìm kiếm. Trong suốt 11 năm, các anh sưu tầm tài liệu, hồ sơ, tìm hiểu thông tin của bà con dân tộc Lào và thông tin trực tiếp từ các nhân chứng từng chiến đấu của các cựu chiến binh đại đội C63, tiểu đoàn D923 Bộ tư lệnh 959, thông tin trên đài truyền hình của tỉnh Hủa Phăn... với tâm nguyện phải tìm và đưa được các đồng đội trở về với gia đình, quê hương và Tổ quốc.

Quá trình đi tìm phần mộ các liệt sĩ vô cùng vất vả, nguy hiểm. Lần thứ nhất các chiến sỹ của Đội Quy tập cùng người cựu chiến bình già Nguyễn Công Nhuế và bác Dương Mạnh Việt nguyên là chiến sỹ C63 lên đường sang nước bạn Lào đi tìm đồng đội. Ngày ngày 2 - 28/12/2011, Đội đã có mặt tại cứ điểm sân bay Na Khằn cũ ở độ cao trên 3.000m so với mực nước biển. Cứ điểm này cách bản Pha Lang khoảng 7 km. Nhiệt độ ở đây rất khắc nghiệt, sương mù dày đặc, sương xuống là đóng băng.

Các cháu học sinh Trường THCS Thiết Ống (Bá Thước, Thanh Hóa) dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh http://www.qdnd.vn

Khi cấy lúa, bà con ở bản phải cấy trước một tháng và khi thu hoạch phải thu hoạch sau một tháng... Trong vòng gần một tháng đội đã tìm kiếm, khai quật 33 hố bom dựa theo sơ đồ của bác Nguyễn Hồng Hà nguyên là chiến sỹ C63 đã từng chiến đấu tại đây vẽ lại. Đội đã tìm thấy, cất bốc được 16 hài cốt liệt sỹ. Tuy nhiên phần mộ tập thể vẫn chưa thấy đâu, bởi khu vực này không còn như hiện trạng ban đầu do có người dân đã lên đây sinh sống.

Đội trưởng Lê Bật Phong còn cho biết, trong nhiều năm làm nhiệm vụ quy tập cất bốc hài cốt liệt sĩ, anh em trong Đội hiểu rất rõ nếu các liệt sỹ được phía ta chôn cất đều có hòm và chôn theo một trật tự nhất định đầu tựa sơn, chân đạp thủy (đầu quay về phía núi, chân phía sông, suối), các di vật kèm theo như tên, địa chỉ, đơn vị... cũng được chôn theo. Còn ở mộ chôn tập thể này không theo quy luật nào cả bởi phía địch chỉ đẩy các chiến sỹ của ta đã hy sinh xuống hố bom rồi lấp đất gây rất nhiều khó khăn cho công tác tìm kiếm. Không nản chí, anh Phong cùng các đồng đội và bác Nhuế vẫn quyết tâm tìm bằng được ngôi mộ chôn tập thể các liệt sỹ.

Từ ngày 12 - 21/4/2012, Đội quyết định trở lại cứ điểm sân bay Na Khằn lần thứ hai. Những chiếc xe Zin 3 cầu đã phải nâng cần thứ 3 bò trên những con dốc dài 40-50 km với độ dốc 40 độ, nhiều khúc cua tay áo, xe liên tục bị nổ lốp dọc đường nhưng nguy hiểm nhất là đi suốt trên những đoạn dốc dài và cao, phanh nóng, không còn đàn hồi và mất tác dụng. Khi xuống dốc, các anh phải đi số 1 và cài cần trước nhằm hạn chế tối đa tốc độ do phanh bị hỏng. Những chiếc xe Zin 3 cầu dũng mãnh là vậy mà giờ đây mỗi giờ đồng hồ chỉ nhích được 4 km. Đội trưởng Lê Bật Phong cho biết, chính vì sự nguy hiểm trên những cung đường này mà những lái xe giỏi nhất của BCHQS tỉnh mới được tuyển chọn vào Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ.

Khi đến bản Pha Lang, rút kinh nghiệm từ lần trước, Đội Quy tập đã làm tốt công tác dân vận, ăn ở cùng dân, tuyên truyền tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Lào, khám chữa bệnh miễn phí cho bà con dân bản. Đội Quy tập còn tổ chức 5 cuộc giao lưu văn hóa - văn nghệ..., nhờ đó các anh đã xóa được khoảng cách ban đầu, nhận được cảm tình đặc biệt của bà con dân bản. Và chính nhờ dân bản chỉ giúp mà phần mộ chôn 21 liệt sỹ, những người đã anh dũng hy sinh trong trận đánh vào cứ điểm sân bay Na Khằng tháng 2/1967 đã được tìm thấy. Các liệt sỹ đã được Đội Quy tập hài cốt liệt sỹ cất bốc thành công, đưa về với Tổ quốc thân yêu.

Trịnh Duy Hưng
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN