13 bệnh viện cam kết 'không để người bệnh nằm ghép'

Đã có 13 bệnh viện Trung ương cam kết "không để người bệnh nằm ghép".

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tại cuộc họp báo đánh giá 2 năm thực hiện Đề án giảm quá tải bệnh viện được phê duyệt theo Quyết định 92/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ Y tế tổ chức chiều 20/1 tại Hà Nội.

Khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Theo đó, 13 bệnh viện Trung ương bao gồm Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Nhi Trung ương, Trung ương Huế, Bệnh viện E, Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Bệnh viện Lão Khoa Trung ương, Da liễu Trung ương, Răng Hàm Mặt Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Tâm thần Trung ương 1, Việt Nam - Cuba, Đa khoa Đồng Hới, Châm cứu Trung ương đã có văn bản cam kết thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Đề án giảm quá tải bệnh viện được phê duyệt tại Quyết định 92/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020.

Các bệnh viện trên cam kết không để tình trạng người bệnh phải nằm ghép giường bệnh trong thời gian điều trị nội trú tại bệnh viện ngay từ những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2015.

Dự kiến, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tổ chức 3 đợt ký cam kết không để người bệnh nằm ghép vào ngày 27/2, 19/5 và 2/9 cho các bệnh viện.

Tùy theo khả năng giải quyết tình trạng nằm ghép của bệnh viện, các cam kết bao gồm: bảo đảm mỗi người bệnh sẽ được bố trí 1 giường bệnh ngay sau khi vào điều trị nội trú; bảo đảm tối đa sau 24 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người sẽ được bố trí một giường bệnh; bảo đảm tối đa sau 48 giờ kể từ khi nhập viện, mỗi người bệnh sẽ được bố trí một giường bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sau 2 năm thực hiện đề án, cả 4 mục tiêu của đề án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: tăng .913 giường bệnh thực kê (tăng 17,5% so với năm 2012), tăng 5.102 bàn khám (nâng tổng số bàn khám lên 10.830, gần gấp đôi so với năm 2012), tổng thời gian chờ khám được rút ngắn trung bình 48,5 phút/người bệnh, giúp tiết kiệm 27,2 triệu ngày công lao động xã hội, cơ sở vật chất phục vụ người bệnh được cải thiện, 37,5% bệnh viện vệ tinh đã giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên, 25% bệnh viện tuyến huyện tăng công suất sử dụng giường bệnh...

Một trong các mục tiêu quan trọng của đề án là cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015 đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của tất cả các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối.


Các bệnh viện vận dụng thành công từ những kinh nghiệm thực tiễn để từng bước giảm tình trạng nằm ghép với các nhóm giải pháp như xây dựng thêm khu điều trị, kê thêm giường bệnh; thiết lập đơn vị lọc bệnh ngoại trú, chuyển điều trị ngoại trú những trường hợp có thể, điều trị ban ngày, giám sát chặt chẽ tiêu chuẩn nhập viện; rút ngắn thời gian điều trị nội trú thông qua áp dụng quy trình và phác đồ điều trị chuẩn, giám sát điều trị; điều phối linh hoạt giữa các khoa lâm sàng; tăng cường mối liên kết, chuyển tuyến giữa tuyến trên và tuyến dưới, thiết lập mạng lưới “bệnh viện giảm tải”.

"​Bộ Y tế sẽ triển khai các biện pháp giám sát đánh giá quá trình thực hiện tại các bệnh viện thông qua báo cáo trực tuyến số liệu về tình trạng nằm ghép hàng tuần. Đây cũng là tiêu chí đánh giá sự quyết tâm và năng lực điều hành, quản lý của giám đốc bệnh viện thông qua việc tham gia và thực hiện cam kết không để người bệnh nằm ghép", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.


Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)



Giải quyết triệt để tình trạng quá tải bệnh viện
Giải quyết triệt để tình trạng quá tải bệnh viện

Tính đến ngày 10/1 đã có 18 bệnh viện tuyến trung ương không còn tình trạng quá tải, nằm ghép khu vực nội trú như Bệnh viện Lão khoa, Nội tiết Trung ương, Nhi Trung ương, Răng Hàm Mặt Trung ương; Tai Mũi Họng Trung ương…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN