Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin về phòng sốt xuất huyết trên địa bàn. |
Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều ngày 22/8, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Hà Nội có 14 quận huyện báo động đỏ về sốt xuất huyết, tập trung ở khu vực các quận nội thành và các huyện ven đô.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 14 đến 20/8, Hà Nội ghi nhận 3.524 trường hợp sốt xuất huyết. Một số quận có người mắc sốt xuất huyết cao gồm Hoàng Mai (431 trường hợp), Đống Đa (1trường hợp), Hai Bà Trưng (329 trường hợp), Cầu Giấy (220 trường hợp)… Lũy tích từ 1/1/2017 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 18.862 trường hợp sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong.
“Trong hai tuần gần đây, Hà Nội không phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tạm lắng do sự vào cuộc quyết liệt của thành phố trong thời gian qua. Trong khi theo nhận định, tình hình sốt xuất huyết sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp bởi theo quy luật, cao điểm sốt xuất huyết diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm”, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết.
Lý giải nguyên nhân Hà Nội không công bố dịch sốt xuất huyết, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết: Mục đích công bố dịch là để công khai minh bạch và huy động nguồn lực; tuy nhiên, cả hai biện pháp này thành phố đều đã thực hiện. Tình hình diễn biến của sốt xuất huyết đã được Hà Nội cập nhật thường xuyên. Hà Nội đã cấp bổ sung 20 tỷ đồng cho phòng sốt xuất huyết. Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ mua và trang bị thêm 80 máy phun mù nóng và đeo vai và dự kiến mua 15 máy phun trên ô tô.
“Các biện pháp diệt bọ gậy và phòng sốt xuất huyết đã có, vấn đề này quan trọng hiện nay là triển khai như thế nào? Do đó, mặt trận phòng sốt xuất huyết hiện nay hàng đầu là phường, xã. Thực tế qua giám sát tại cơ sở cho thấy tại một số cơ sở chưa làm triệt để như phun thuốc chỉ phun ở tầng 1, trong khi các tầng khác lại không phun… Do đó, thành phố sẽ thành lập 6 đoàn đánh giá độc lập để đánh giá tình trạng phòng chống dịch, diệt bọ gậy tại cơ sở”, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết.
Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền như nhắn tin phòng dịch sốt xuất huyết qua điện thoại di động. Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục Đào tạo tuyên truyền tới học sinh, trong đó yêu cầu các em học sinh ghi rõi họ tên và xác định tại nhà có dụng cụ nào đọng nước để xử lý… “Việc tuyên truyền về sốt xuất huyết đến học sinh, nhất là năm học mới sắp bắt đầu để từng gia đình và người dân cùng tham gia diệt bọ gậy, phòng sốt xuất huyết”, ông Hạnh cho biết.