Nhưng thật may mắn, 16 năm qua chị vẫn lạc quan sống chung với HIV/AIDS và tích cực tư vấn, giúp đỡ cho nhiều người cùng cảnh ngộ.
Năm 2004, HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của chồng chị Trần Thị Chuẩn, khi mà đứa con trai út chỉ mới 1 tuổi còn chị vô tình trở thành nạn nhân của căn bệnh này. Thời điểm đó, ARV - một loại thuốc làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV chưa phổ biến rộng rãi, người nhiễm HIV còn gặp phải sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng. Mất chồng, lại cộng thêm tin mình cũng mắc bệnh chị Chuẩn rơi vào bế tắc.
Sau đó, nhờ sự động viên của người thân, chị Chuẩn quyết định đến bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh điều trị. Năm 2008, Bệnh viện Đa khoa Long An được mở rộng điều trị ARV, nên chị Chuẩn trở về tuyến tỉnh, tiếp tục chữa bệnh tại quê nhà.
Lúc chồng chị Chuẩn mất, kinh tế khó khăn, một mình nuôi 3 đứa con còn nhỏ dại, thân lại mang bệnh, cuộc sống vốn đã vất vả lại càng thêm khó khăn. Nhờ tinh thần lạc quan, quyết tâm điều trị nồng độ HIV trong máu của chị đã thấp dưới ngưỡng; chị cũng tuân thủ nguyên tắc an toàn để không lây bệnh cho người khác. Hiện tại, chị mở tiệm tạp hóa nhỏ để sinh sống trong sự thương yêu của con cái, đùm bọc của người thân và láng giềng.
Chị Trần Thị Chuẩn chia sẻ, thấy bản thân điều trị hiệu quả nên chị đã tham gia giới thiệu chương trình điều trị ARV, động viên, khích lệ chị em phụ nữ hoặc gia đình có con em nhiễm HIV/AIDS đến bệnh viện, điều trị. Nếu điều trị ARV đúng cách, có thể làm chậm sự tiến triển hoàn toàn của AIDS trong nhiều năm, giảm nguy cơ lây truyền và làm tăng chất lượng sống của người nhiễm HIV/AIDS. Bằng nghị lực và niềm tin trong cuộc sống, chị Chuẩn không chỉ vượt qua nghịch cảnh, chăm lo cho các con chu đáo mà còn nhiệt tình giúp đỡ, tư vấn cho nhiều trường hợp cùng cảnh ngộ ở các địa phương. Hầu hết, người nhiễm HIV chủ động tìm đến nhờ chị tư vấn về cách điều trị và họ cũng sống rất tự tin.
Ông Nguyễn Văn Rìa, Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, cho rằng, chị Trần Thị Chuẩn dù cuộc sống còn khó khăn nhưng tham gia rất tích cực công tác ở địa phương, hòa đồng với tất cả chị em phụ nữ trong ấp. Điều đáng biểu dương là khi gặp những hoàn cảnh hoạn nạn, khó khăn, chị Chuẩn đều cố gắng giúp bằng cả tâm huyết. Chị Trần Thị Chuẩn đã chọn lối sống tích cực, đối mặt với HIV/AIDS để góp phần thay đổi cách nhìn của chính bản thân và cộng đồng về căn bệnh này. Đó là hành động tích cực để chung sức ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, giúp những người nhiễm HIV/AIDS sống có ích trong xã hội.