Xin ông cho biết, tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam trong năm 2019, nhóm đối tượng nào đã có nguy cơ cao ở thời điểm này, thưa ông?
Trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.779 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 2.984 người, số bệnh nhân tử vong 1.428 người. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (tương đương 39,4%) và 30 - 39 (tương đương 34,3%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (65%) và qua đường máu (17%), mẹ sang con 2%, còn lại không có thông tin về đường lây truyền.
Tính đến hết 30/9/2019, cả nước có 215.661 người nhiễm HIV được các tỉnh báo cáo hiện đang còn sống và 103.616 người nhiễm HIV đã tử vong. Tuy nhiên, trong số 215.661 người hiện đang báo cáo nhiễm HIV được phát hiện, có khoảng 10% người nhiễm HIV trùng lặp hoặc đã tử vong nhưng chưa được ghi nhận.
Số liệu phát hiện nhiễm mới nhìn chung không có nhiều thay đổi so với năm 2018. Dịch HIV tập trung chủ yếu ở nam giới (chiếm 75%) và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đang có xu hướng giảm thay vào đó tỷ lệ này nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang ngày càng gia tăng và có khả năng sẽ trở thành nhóm chính trong lây nhiễm HIV. Ngoài ra, các nhóm có nguy cơ thấp như nhóm vợ, chồng, bạn tình người nhiễm HIV vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm lây truyền HIV do khó tiếp cận với các dịch vụ tư vấn xét nghiệm và can thiệp dự phòng.
Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2019?
Năm 2019, dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, mức 0,24%. Chúng ta đã mở rộng và đa dạng dịch vụ xét nghiệm HIV, phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các giải pháp xét nghiệm mới như: tại các cơ sở y tế, dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, sử dụng sinh phẩm mới để phát hiện sớm nhiễm HIV, sinh phẩm xét nghiệm thế hệ 4...
Bên cạnh đó, việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện tiếp tục được duy trì và đổi mới. Hiện có gần 53.000 bệnh nhân đang điều trị bằng Methadone thường xuyên, hiệu quả cao. Buprenorphine được triển khai ở 7 tỉnh. Chuẩn bị thí điểm cấp phát MMT về nhà. Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn xử trí nghiện ma túy tổng hợp.
Việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) đang được triển khai tốt. Tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Hiện có 4.000 người đang sử dụng PrEP; tỷ lệ duy trì điều trị cao.
Điều trị ARV tiếp tục được mở rộng, chất lượng điều trị rất tốt. Hiện có 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV. Tỷ lệ tuân thủ sau 12 tháng đạt 88%. Tải lượng virút dưới ngưỡng ức chế đạt 95%, dưới ngưỡng phát hiện đạt 92%. Hiện chúng ta đã chuyển đổi thành công điều trị ARV từ viện trợ sang bảo hiểm y tế, hiện có 40.000 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV qua bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, Cục Phòng chống HIV/AIDS đang tổ chức đánh giá toàn diện công tác phòng, chống HIV/AIDS 10 năm; xây dựng “Chiến lược quốc gia Chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030” theo Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị với nhiều đổi mới; Tổ chức đánh giá thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS sau 13 năm thực hiện; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật này, dự kiến trình Quốc hội xem xét vào tháng 10/2020.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS đang gặp những khó khăn và thách thức nào, thưa ông?
HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng, là một trong những nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có 10.000 HIV+ mới và 2.000-3.000 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khỏe, kinh tế - xã hội. Hơn nữa, nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao.
Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảm tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ quốc tế đang cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp thiếu hụt tài chính. Do đó các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, nguồn ngân sách địa phương dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là rất hạn chế, nguồn kinh phí địa phương chỉ cung cấp đủ cho duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan phòng, chống HIV/AIDS địa phương.
Do đó, trong thời gian tới, Cục Phòng Phòng chống HIV/AIDS tập trung đổi mới, mở rộng, nâng cao chất lượng công tác truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, triển khai dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV, chú trọng điều trị cho vợ, chồng, bạn tình của người nhiễm, MSM, người chuyển giới ở khu vực có nguy cơ lây nhiễm HIV. Đồng thời, đa dạng hóa các dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV: xét nghiệm trong cơ sở y tế, xét nghiệm HIV tại cộng đồng do nhân viên y tế thông bản hoặc tổ chức cộng đồng thực hiện, xét nghiệm HIV lưu động và tự xét nghiệm HIV.
Bên cạnh mở rộng các phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV, đặc biệt phòng xét nghiệm được phép khẳng định HIV tuyến huyện đảm bảo việc chuyển gửi xét nghiệm khẳng định cho kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính không quá 24 giờ; mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị thuốc ARV bền vững, sẵn có và dễ tiếp cận; nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị và chăm sóc HIV/AIDS...
Với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”, Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS năm nay có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Năm 2019, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS”.
Chủ đề này nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS: Mặc dù nhiễm HIV là nhiễm bệnh truyền nhiễm mãn tính, tuy nhiên các giải pháp để kiểm soát dịch HIV không chỉ là các giải pháp y tế mà mang tính xã hội tức cần có sự tham gia của tất cả lãnh đạo các cấp, ngành y tế, các ban ngành đoàn thể và cả cộng đồng.
Khác với nhiều bệnh khác, khi một cá nhân mắc bệnh có thể đến các cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị. Tuy nhiên với HIV là đại dịch xảy ra trên tất cả các quốc gia và châu lục trên thế giới nên ở bình diện rộng cần sự chung tay của cả cộng đồng thế giới phòng, chống HIV/AIDS, nhất là hiện nay xu hướng thế giới phẳng, người đã nhiễm HIV thậm chí vẫn không chẩn đoán được (trong giai đoạn cửa số) nên không thể áp dụng các biện pháp cấm đoán di chuyển hay cách ly. Cộng đồng các quốc gia nếu không chung tay sẽ không thể bảo vệ được quốc gia mình khỏi HIV/AIDS.
Chủ đề cũng nhấn mạnh đến mục tiêu quan trọng mà cả thế giới quan tâm và Việt Nam đã cam kết đó là kết thúc dịch AIDS”. Kết thúc dịch AIDS là mục tiêu cao nhất hiện nay để AIDS không còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Liên hợp quốc cũng đã khuyến cáo các quốc gia muốn kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 thì cần đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, các mục tiêu 90-90-90 đó là: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Thực tế Việt Nam, năm 2018 đã có kết quả ba mục tiêu này là 80-70-95. Như vậy, trừ mục tiêu thứ 3 chúng ta đã đạt được, còn hai mục tiêu đầu nhất là mục tiêu thứ 2 còn khá xa so với đích đặt ra trong khi chúng ta chỉ còn có 1 năm để thực hiện. Do vậy, nếu không có sự chung tay hành động của cả cộng đồng thì có thể chúng ta cũng sẽ không đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiến tới kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030.
Xin trân trọng cảm ơn ông!