24 năm trước, chỉ bằng sáu cây sào tre, hai cuộn dây thừng và một chiếc la bàn, những người lính hải quân Việt Nam đã rẽ sóng dò tìm những bãi cạn. Từ kết quả khảo sát ấy, những nhà giàn DK1 thế hệ đầu tiên ra đời. Và cho đến nay, những nhà giàn như những dáng đứng Việt Nam trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Trên những “con tàu lá tre”
Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1, cho biết: Người khai sinh ra hệ thống nhà giàn DK1 chính là Đô đốc - Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương. Với tầm nhìn chiến lược, ông Cương đã đánh giá sắc sảo tình hình, đồng thời đề ra kế sách phòng thủ biển, trong đó có việc xây dựng nhà giàn theo hình vòng cung để trấn giữ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Nhà giàn DK1 hiện đại ngày nay. |
Theo Thượng tá Dĩnh, sau sự kiện tháng 3/1988 ở Trường Sa, Đô đốc Giáp Văn Cương đã đề xuất phải gấp rút triển khai việc xây dựng nhà giàn. Ngày 6/11/1988, biên đội tàu HQ-713 và HQ-6 do Trung tá Phạm Xuân Hoa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 Hải quân, chỉ huy cùng đoàn khảo sát đã vượt sóng ra thềm lục địa.
Thượng úy Nguyễn Tiến Cường, thuyền trưởng tàu HQ-6 (nay là trung tá, trợ lý kế hoạch tổng hợp Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân), kể lại: “Tàu HQ-6 được mệnh danh là con tàu “lá tre” bởi đây là tàu nhỏ nhất của Hải đội 811. Thời kỳ ấy, tàu hải quân chưa hiện đại như bây giờ, chủ yếu là tàu vỏ sắt nhiều chủng loại. Riêng tàu HQ-6 tiếp nhận về nguyên gốc từ tàu cá của Thái Lan. Với trọng tải 150 tấn, con tàu gỗ nhỏ bé này chật chội không kê được giường. Các chiến sĩ ngủ giàn hàng ngang trên sàn gỗ, tiện chỗ nào thì ngủ chỗ đó chứ không quy định cụ thể”.
Chiều ấy, tạm biệt vợ mới cưới, thuyền trưởng Cường xuống tàu. Vợ anh tiễn chồng ra tận cầu cảng, đôi mắt đỏ hoe. Nhìn vợ, Cường động viên: “Biển rộng lớn nhưng anh nhất định sẽ về!”. Cùng tiễn chồng xuống cảng hôm ấy là nhiều người vợ trẻ. Cuộc chia tay bịn rịn, những giọt nước mắt, những lời dặn dò lưu luyến của kẻ ở người đi khiến ai cũng nghẹn ngào. Sau sự kiện Trường Sa năm 1988, đi biển ngày ấy cũng đồng nghĩa với vào chiến trận, không ai biết trước điều gì sẽ xảy ra.
Thắt nút dây đo lòng sâu biển mẹ
Ra đi trong gió mùa đông bắc tràn về, biển động dữ dội, con tàu nhỏ bé cứ chồm lên ngụp xuống trong sóng gió. Phương tiện duy nhất trong chuyến hải trình này là chiếc la bàn, hai cuộn dây, sáu cây sào tre để đo độ sâu. Do không có định vị vệ tinh nên biên đội tàu sau ba ngày đã đi lạc vào vùng biển đảo Đá Lát. Đúng lúc đó thì tàu HQ-713 bị vỡ lốc máy. Lệnh của Lữ đoàn trưởng Phạm Xuân Hoa là bằng mọi cách phải khắc phục, sửa chữa. Cạnh đó, tàu HQ-6 khẩn trương tiến về hướng Nam (khu vực bãi cạn Ba Kè), nhanh chóng khảo sát, đo độ sâu.
Tăng gia trồng rau xanh cải thiện đời sống. |
Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Cường, các thủy thủ đã dùng dây thừng thắt nút cách nhau từng mét, một đầu buộc đá thả xuống biển. Nước ngập đến đâu, đếm nút thắt dây, tính ra độ sâu đến đó. “Những cây sào dài không phát huy được tác dụng vì dòng chảy mạnh và mực nước sâu đến trên 20 m. Tôi vừa đưa cây sào xuống đã bị dòng chảy mạnh làm gãy đôi. Tất cả đều phải nhờ vào sợi dây thừng” - ông Cường kể. Sau ba ngày khảo sát, các thủy thủ đã tìm được vị trí tọa độ trùng khớp với tọa độ ghi trên bản đồ, đo được độ sâu tương đối chính xác, thả phao quả nhót đánh dấu. Vị trí khảo sát đầu tiên ở bãi cạn Phúc Tần A đã hoàn thành, các thủy thủ tiếp tục hành trình đến các bãi cạn Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Tư Chính và Cà Mau.
Sau khi tìm được bãi cạn và tọa độ xây dựng nhà giàn, ngày 26/11/1988, hai biên đội tàu của Lữ đoàn 171 và Hải đoàn 129 được điều ra các bãi cạn bắt đầu hành trình cắm chốt, chuẩn bị các mặt cần thiết để xây nhà giàn.
Những giọt nước mắt đầu tiên
Tháng 5/1989, các biên đội tàu của Lữ đoàn 171 và của Hải đoàn 129 phối hợp với tàu kéo chuyên dụng của Bộ GTVT bắt đầu chở khung nhà giàn cùng vật liệu sắt thép vượt sóng ra bãi cạn Phúc Tần. Giữa biển khơi bao la, giữa cái nắng cháy da cháy thịt, những người thợ đóng giàn ngành dầu khí cùng các chiến sĩ công binh chạy đua với thời gian, chia ca làm việc 24/24 giờ.
Hồi đó phương tiện thông tin thời tiết chủ yếu là nghe Đài Tiếng nói Việt Nam qua chiếc đài bán dẫn nhỏ xíu. Nhiều khi đài báo sóng yên biển lặng nhưng buổi chiều giông gió bất ngờ ập tới, công việc đành phải dừng lại. Ông Trần Xuân Vọng, nguyên Đoàn trưởng Đoàn 129 Hải quân, nhớ lại: “Có bữa trời đang trong xanh ngăn ngắt, chỉ vài phút sau là sấm chớp ầm ầm, sóng đang lặng lẽ bỗng lừng lững như quả núi. Mặc cho sóng gió, anh em chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Có lần một thợ lặn đang định vị dây xích dưới đáy biển thì dây dẫn khí bị đứt. Tình huống cực kỳ nguy cấp, nếu chỉ chậm vài phút sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Chúng tôi khẩn cấp đưa thợ lặn khác xuống cấp cứu, cho vào buồng giảm áp lực mới cứu sống được anh em”.
Công việc đầu tiên là dọn bãi đặt chân đế boong tong. Những người thợ lặn đeo bình ôxy, mặc áo nhái lặn sâu xuống đáy biển, dùng vật chuyên dùng san phẳng bãi san hô rồi khoét sâu một lỗ rộng chừng 60 m để đặt khối pông-tông vào đó. Khối pông-tông kết cấu bằng thép, bán kính chừng 16 m, bơm đầy xi măng vào trong, đánh chìm xuống đáy. Những người thợ lặn vừa phải chống chọi với dòng chảy, vừa “lái” khối pông-tông vào đúng lỗ đã được đào sẵn. Kết nối giữa khối pông-tông và bốn cọc cắm sâu vào san hô là bốn sợi dây xích siêu bền, chịu được sóng to, dòng chảy mạnh.
Công đoạn thứ hai là kết nối pông-tông và khối thượng tầng. Những người lính công binh lại ngụp lặn trong lòng biển để làm những công việc “độc nhất vô nhị” này. Sau hơn một tháng chạy đua, ngày 10/6/1989, nhà giàn đầu tiên với tên gọi Phúc Tần hiện hữu giữa thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Các chiến sĩ và những người thợ lặn nhìn nhà giàn mà trào nước mắt. Những giọt nước mắt sung sướng, tự hào hòa lẫn vào lòng biển mẹ. “Từ thế hệ nhà giàn đầu tiên này, đến nay ta đã có một hệ thống nhà giàn hiện đại, vững chãi trấn giữ ở thềm lục địa phía Nam và trở thành phên giậu của Tổ quốc giữa trùng khơi” - Đại tá Lữ đoàn trưởng Phạm Xuân Hoa tự hào nói.
Ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị về việc xây dựng cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (tức nhà giàn DK1), đã trở thành ngày sinh nhật của nhà giàn. Và 24 năm qua, nhà giàn DK1 đã tồn tại sừng sững, hiên ngang như những cột mốc chủ quyền không thể tranh cãi giữa tiền tiêu Tổ quốc.
Bài và ảnh: Mai Thắng