Đây là sự mất mát vô cùng to lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội, ảnh hưởng đến an toàn và sự sống còn của trẻ.
Để ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, Tổ chức Vận động Chính sách Y tế toàn cầu dã phối hợp với các cơ quan chức năng dạy bơi cho trẻ em Việt Nam. “Trong vòng 2 năm qua, chúng tôi đã dạy bơi an toàn cho gần 14.000 trẻ em từ 6-15 tuổi và dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho hơn 30.000 trẻ em”, bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Tổ chức Vận động Chính sách Y tế toàn cầu trực thuộc Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá Hoa Kỳ cho biết.
Xin bà cho biết về vấn nạn đuối nước đang xảy ra trên toàn thế giới và đặc biệt tại Việt Nam?
Theo ước của Tổ chức Y tế Thế giới, trong thập kỷ vừa qua, đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người. Chỉ tính riêng năm 2019, có gần 236.000 người đã tử vong do đuối nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong trẻ em từ 5-14 tuổi trên thế giới.
Một điều vô cùng đau lòng là hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam, đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em dưới 15 tuổi. Ước tính mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị đuối nước. Các trường hợp đuối nước tăng cao vào mùa hè, bắt đầu từ khi các em kết thúc năm học, dừng thời gian học tập ở trường, lớp, dành thời gian chủ yếu ở nhà và ở cộng đồng dân cư. Nhiều vụ việc có nhiều em bị đuối nước cùng lúc đã xảy ra. Đây không chỉ là sự tổn thất đối với mỗi quốc gia, đối với mỗi cộng đồng và gia đình, mà nó còn để lại sự xót thương, những nỗi đau không thể bù đắp cho cha mẹ, người thân của nạn nhân.
Từ thực trạng nêu trên, Tổ chức đã làm gì nhằm ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em Việt Nam?
Từ năm 2018, với sự hỗ trợ của Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Vận động Chính sách Y tế toàn cầu đã phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổ chức Y tế thế giới triển khai những can thiệp dựa vào bằng chứng phù hợp với bối cảnh của Việt Nam nhằm chung tay giảm thiểu tỉ lệ tử vong do đuối nước ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Ban đầu, Chương trình Phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ triển khai thí điểm tại hơn 100 xã của 8 tỉnh có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất trên toàn quốc. Và trong vòng 2 năm qua, chúng tôi đã dạy bơi an toàn cho gần 14.000 trẻ em từ 6-15 tuổi và dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho hơn 30.000 trẻ em.
Các kết quả nghiên cứu đánh giá độc lập của chúng tôi đã cho thấy những kết quả đáng khích lệ của chương trình. Cụ thể, tỷ lệ trẻ em được học bơi đã tăng gần gấp đôi từ 14.7% lên 25.5% tại các địa bàn triển khai dự án. Tỷ lệ này đã cao hơn so với tỷ lệ trung bình hiện nay của toàn quốc.
Trong thời gian tới, chương trình sẽ tiếp tục triển khai ở những địa bàn nào, mục tiêu của chương trình ra sao, thưa bà?
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng địa bàn triển khai dự án từ 8 tỉnh lên đến 12 tỉnh và ưu tiên lựa chọn những huyện, xã thuộc diện khó khăn và có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao ở trẻ em.
Chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các bộ ngành liên quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Tổng cục Thể dục thể thao và chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là tại các trường học để có thể tổ chức được dạy bơi cho học sinh trong độ tuổi từ 6-15. Mục tiêu của chúng tôi đến hết năm 2022 có thể dạy bơi được cho khoảng 50.000 em.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh việc dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cũng là một ưu tiên của chương trình. Điều này cần trở thành một nội dung thiết yếu, một kỹ năng sống còn để trẻ có thể lớn lên, được an toàn, được phát triển lành mạnh và phòng chống được những nguy cơ đuối nước.
Những nỗ lực của chúng tôi chỉ thật sự có giá trị khi có sự chung tay, đồng hành của chính quyền địa phương, gia đình, nhà trường. Chúng tôi hạnh phúc vì những đóng góp nhỏ bé của chương trình đã tạo ra những chuyển biến đầy tích cực, thực chất để đảm bảo an toàn, phòng chống đuối nước cho trẻ em.
Vậy theo bà, để chương trình tiếp tục triển khai thành công cần những yếu tố nào?
Theo tôi, có rất nhiều yếu tố tạo nên sự thành công bước đầu của chương trình nhưng quan trọng nhất, chính là sự quan tâm của các bậc phụ huynh.
Chúng tôi biết ơn những người cha người mẹ, họ từ những huyện xã vô cùng khó khăn ở Đắk Lắk, ở Yên Bái, không quản ngại đường xa và đưa con tới hơn 20km mỗi ngày đến những lớp học bơi của chúng tôi. Khi các bậc phụ huynh nhận thức được tầm quan trọng của chương trình đối với sự sống còn của con trẻ, giảm thiểu cho con được những nguy cơ bị đuối nước thì đó là lúc chương trình của chúng tôi thật sự có ý nghĩa với cộng đồng.
Vấn đề thứ hai, theo tôi không kém phần quan trọng đó chính là phối kết hợp ở địa phương trong việc triển khai chương trình. Các huyện xã đã giúp đỡ chúng tôi những điều kiện tốt nhất để các con tham gia học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Sự quan tâm, đầu tư của địa phương là vô cùng đáng quý để chương trình có thể bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn bà!