“39 độ”mua sắm

Không khí tết đang đến rất gần. Đường phố đang rộ lên những gian hàng mua sắm tết. Nếu phải dùng nhiệt kế « để đo », có lẽ cơn mua sắm cũng nóng lên đến 39 độ.


Các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng từ các chợ đầu mối ở địa phương đổ về các điểm bán sỉ, lẻ. Tại các siêu thị, trung tâm mua sắm tung nhiều chương trình khuyến mãi cuối năm. Cơn sốt hàng Tết đang lôi kéo người tiêu dùng đấu tranh tư tưởng với túi tiền để «chọn mặt gửi vàng».

Tăng nhiệt từng ngày

Chỉ còn gần 2 tuần nữa mới đến tết Nguyên đán nhưng ngay từ thời điểm này, các loại bia, rượu và nước giải khát đã trở thành mặt hàng “sốt” nhất tại các chợ, siêu thị, cửa hàng... Với tâm lý lo lắng hàng hoá sẽ tăng giá vào cận ngày Tết, người dân đã tranh thủ mua hàng trước Tết, vừa rủng rỉnh thời gian chọn lựa, vừa có thể mua với giá tốt, lại còn thêm khuyến mãi.

Dạo quanh một số đại lý bia, nước giải khát ở một số tuyến đường như Trương Định, Nguyễn Thông (quận 3), Thống Nhất (quận Gò Vấp), Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), Đỗ Xuân Hợp (Quận 9)… của Thành phố Hồ Chí Minh và các ki ốt tại khu vực chợ Hôm, hàng Buồm (Hà Nội), điều dễ nhận thấy là năm nay mặt hàng đồ uống vô cùng phong phú, mẫu mã bắt mắt, tiện dụng.


Tại Thành phố Hồ Chí Minh, so với tuần trước, giá bia, nước ngọt đã tăng thêm từ 5.000- 15.000 đồng/thùng. Cụ thể, bia 333 cách đây 1 tuần giá 190.000 đồng/thùng nay đã tăng lên 200.000 đồng/thùng; bia Tiger từ 220.000 đồng/thùng tăng lên 235.000 đồng/thùng; bia Heineken từ 330.000 đồng/thùng tăng lên 340.000đ/thùng...


Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng nước giải khát như: Coca-cola tăng từ 148.000 đồng/thùng lên 152.000 đồng/thùng, Pepsi, 7 up từ 146.000 đồng/thùng tăng lên 150.000 đồng/thùng.


Còn tại Hà Nội, giá đồ uống nhìn chung chỉ tăng nhẹ. Khảo sát tại siêu thị Hapro Mart Bách Khoa ngày 20/1, giá bia Tiger được bán ở mức 235.000 đồng/thùng; Halida là 190.000 đồng/thùng; bia 333 là 190.000 đồng/thùng; Coca Cola 157.000 đồng/thùng; bia Hà Nội 225.000 đồng/két.

Theo các chủ đại lý, mặc dù giá bia, đồ uống tăng nhưng sức mua cũng tăng không kém, đã kéo theo lượng tiêu thụ đồ uống những ngày này nhiều hơn từ 4- 5 lần so với những ngày thường.


Chủ một đại lý bia rượu ở phố Tạ Quang Bửu, Hà Nội cho biết: Trong một tuần trở lại đây, số lượng người mua mặt hàng Tết gồm bia rượu, nước giải khát đã tăng gấp 3 lần so với trước. Tuy nhiên, giá những mặt hàng giải khát Tết không quá biến động so với trước.

Chị Thu Yến, chủ đại lý bia nước giải khát Hoàng Yến trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Giá các mặt hàng đang tăng lên từng ngày, nếu mua sớm chúng tôi còn đủ hàng, càng cận Tết giá càng tăng lại có thể không còn hàng.

Chủ đại lý bia Loan Hùng trên đường Thống Nhất (Gò Vấp) chia sẻ: Khách tiêu dùng lẻ mua hàng nhiều. Chúng tôi liên tục nhập hàng dự trữ. Có thể tâm lý 1 năm chỉ có mấy ngày Tết nên người dân chấp nhận chi tiêu nhiều, dù giá có cao ngày thường.

Dồi dào nguồn hàng

Mặc dù nhu cầu tiêu dùng đồ uống dịp Tết đang tăng lên từng ngày, nhưng hầu hết các nhà sản xuất lẫn các siêu thị lớn đều khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng, cam kết đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị Coopmart Lê Thành Nhân cũng tỏ ra lạc quan về thị trường hàng hóa Tết năm nay cũng như thị trường đồ uống nói riêng: "Theo dự báo của siêu thị, sức mua dịp Tết năm nay sẽ tăng khoảng 40% so với năm ngoái và trong những ngày cận Tết này, sức mua đã tăng gấp đôi so với ngày thường, trong đó mua tăng mạnh nhất ở các mặt hàng bánh kẹo, đồ uống, thực phẩm...


Do đó, siêu thị đã chuẩn bị rất đầy đủ và phong phú về nguồn hàng. Đặc biệt, để đảm nhận nhiệm vụ bình ổn hàng hóa của 8 nhóm hàng tiêu thụ mạnh trong dịp Tết, chủ yếu là các mặt hàng nhu yếu phẩm và đồ uống, siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng lên tới 130.000 tấn, tăng rất cao so với ngày thường".


Ông Nhân cho biết, điều đáng mừng là hàng hóa trong nước với mẫu mã và chất lượng ngày càng được cải tiến nên tiêu thụ mạnh trong dịp Tết năm này, trong đó có đồ uống. Riêng tại Coopmart, hàng nội chiếm tới 90%.

Trong khi đó, một số nhà sản xuất đồ uống có thương hiệu như Tập đoàn Tân Hiệp Phát, Tổng công ty bia rượu và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), … cũng đang trong thời gian vận hành hết công suất để đảm bảo đủ nguồn cung cho thị trường Tết.


Đại diện marketing của Tân Hiệp Phát cho biết: “Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, công ty cung cấp ra thị trường các thức uống có nguồn gốc từ thiên nhiên có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng như trà thảo mộc Dr Thanh, trà xanh Không Độ,…


. Lượng hàng tăng 30% so với mùa tết năm ngoái. Ngoài ra, công ty cũng vừa giới thiệu 2 sản phẩm mới, đó là trà xanh có ga ikun với 2 hương vị chanh, dâu và nước tăng lực Number 1 dâu đóng chai nhựa 350 ml. Các mặt hàng đều giữ giá ổn định nhằm giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu mua sắm”.

Khi nhiệt kế mua sắm tăng lên 39 độ, người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo cân nhắc các thương hiệu tên tuổi để mua đúng sản phẩm có chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, có lợi cho sức khoẻ và quan trọng, sự nuông chiều “bao tử” 1 cách hợp lý sẽ giúp người tiêu dùng ăn ngon, uống khoẻ, giữ gìn phong độ đón tết sảng khoái.

Hoàng Tuyết - Linh Nhân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN