8 loại hình sản xuất nguy cơ gây ô nhiễm cao sẽ bị kiểm soát đặc biệt?

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Ðề án “Kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao” sẽ đưa 8 loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao vào diện giám sát đặc biệt, giống như với Formosa.

Ông Thức cho biết, sau bài học từ Formosa, Bộ đã có kiến nghị với Thủ tướng về Ðề án Kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Đề án này sẽ phân loại những loại hình sản xuất nào có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Các doanh nghiệp có khả năng gây ô nhiễm được kiểm soát đặc biệt dựa trên tiêu chí: Loại hình sản xuất, quy mô, khả năng phát thải chất ô nhiễm ra môi trường. Từ đó, cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát giám sát để phòng ngừa giảm thiểu sự cố môi trường, không lặp lại sự cố Formosa.

Dự kiến 8 loại hình sản xuất có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao sẽ được đề xuất giám sát đặc biệt gồm khai thác, làm giàu khoáng sản độc hại; luyện kim; sản xuất giấy, bột giấy; hóa chất; nhuộm; thuộc da; lọc hóa dầu và nhiệt điện than. Với nhóm này, ngay từ phê duyệt tác động môi trường đã yêu cầu doanh nghiệp đưa giải pháp phòng ngừa rất sâu. Với doanh nghiệp đã hoạt động, nếu làm chưa tốt, Tổng cục Môi trường sẽ thông qua các đoàn kiểm tra, giám sát yêu cầu doanh nghiệp đó phải đầu tư để cải thiện.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Cũng theo ông Thức, việc giám sát các doanh nghiệp sẽ được phân cấp từ trung ương đến cấp tỉnh. Trường hợp phải giám sát đặc biệt sẽ do Trung ương giám sát. Ở cấp địa phương, trên cơ sở tiêu chí của Ðề án, tỉnh sẽ lựa chọn ra các dự án sắp, đang và đã hoạt động để đưa vào nhóm giám sát.

Trước đó, năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng “Đề án kiểm soát đặc biệt đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao”, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và lấy ý kiến rộng rãi quần chúng nhân dân, nhà khoa học. Đến nay, theo ông Thức, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm soát đặc biệt đối với dự án, cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao ở giai đoạn cuối.


Ông Thức cho biết, quan điểm chung thì đề án này là biện pháp để phòng ngừa sự cố môi trường, phòng xa đối với nhóm chuẩn bị đầu tư mới và giám sát hoạt động của nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc như Formosa.

Trung Hiếu/Báo Tin tức
Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn
Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn

Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn đã được Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN