800 tàu cá Khánh Hòa rời vùng ảnh hưởng của bão

Chiều 14/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa cho biết: 799 tàu cá với 4.199 lao động đang hoạt động trên biển đã biết hướng di chuyển của bão số 3 để chủ động phòng tránh.


Tàu cá vào neo đậu tránh trú bão ở cửa sông Cái đoạn cầu Trần Phú, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: Nguyên Lý- TTXVN


Theo đó, tại cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, nhiều tàu cá công suất lớn đã tạm ngừng ra khơi. Ngư dân tổ chức sắp xếp, chằng néo tàu thuyền để tránh va đập khi có sóng to, gió lớn. Bên cạnh đó, hàng trăm tàu công suất nhỏ đánh bắt gần bờ cũng đã vào neo đậu dọc bờ kè hạ lưu sông Tắc và trong khu vực cảng Hòn Rớ.

Ở khu vực cảng cá Vĩnh Lương, cửa sông Cái… nhiều ngư dân đã đưa tàu thuyền vào neo đậu tránh trú an toàn. Những hộ dân sinh sống trong các khu nhà tạm ở cửa sông Cái, phường Vĩnh Phước và ven biển phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang gia cố lại nhà cửa đề phòng triều cường...

Đối với 2 tàu cá bị hỏng máy, thả trôi trên vùng biển quần đảo Trường Sa từ ngày 13/9 do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3, Đài Thông tin duyên hải Nha Trang cho biết: Đến sáng 14/9, tàu cá KH 94879 - TS ở tỉnh Khánh Hòa đã được tàu Hải quân 633 lai dắt về đảo Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa. Hiện sức khỏe của tất cả thuyền viên trên tàu đều ổn định.

Còn tàu cá BĐ 91052 – TS ở tỉnh Bình Định đang được tàu bạn BĐ 91347 - TS hỗ trợ lai dắt về cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Dự kiến, đến ngày 16/9, tàu cá BĐ 91052 – TS cùng 13 ngư dân sẽ về đến cảng Quy Nhơn.

* Thừa Thiên - Huế sẵn sàng các phương án phòng chống lụt bão

Tại Thừa Thiên - Huế, bão số 3 gây mưa to trên diện rộng. Lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 13/9 đến 12 giờ ngày 14/9 tại trạm Thượng Nhật (sông Tả Trạch) là 88mm; trạm Khe Tre 100mm; trạm Huế 35mm; trạm A Lưới 48mm.

Lưu lượng nước về hồ thủy điện Bình Điền là 14,6m3/s; thủy điện Hương Điền là 12m3/s và thủy điện A Lưới là 24m3/s. Mưa liên tiếp trong đêm 13 và ngày 14/9 khiến mực nước trên sông Hương dâng cao. Kể từ chiều 14/9, các chuyến bay đi và đến Huế đều bị hủy. Ước hàng ngàn khách kẹt lại sân bay Phú Bài do ảnh hưởng của mưa bão.

Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh tổ chức bắn pháo hiệu, phối hợp với các địa phương ven biển sử dụng phương tiện thông tin tìm kiếm cứu nạn liên lạc, đài trực canh để kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn.

Theo ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến chiều 14/9, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kêu gọi được 1.955 phương tiện với 10.823 lao động, trong đó có 19 phương tiện và 132 lao động ngoại tỉnh vào bờ neo đậu tại các khu tránh trú bão an toàn như Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải, Vinh Hiền.

Tại điểm trú tránh bão xã Phú Thuận, ngay từ sáng 14/9, hàng trăm phương tiện đánh bắt từ khơi xa đã về cập bờ neo đậu, giằng néo an toàn. Từ sáng 14/9, chính quyền xã Phú Thuận và các lực lượng chức năng đã tập trung kêu gọi tàu thuyền vào bờ. Ngoài phương tiện xa bờ, các thuyền, ghe nhỏ hoạt động ở khu vực bãi ngang gần bờ cũng luôn đặt trong sự giám sát chặt của địa phương, không cho bất kỳ phương tiện nào ra khơi.

Để giúp người dân chủ động ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức trực ban 24/24 giờ; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến bão số 3 và tình hình mưa lũ để thông tin cho các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó. Các huyện, thị xã, thành phố Huế chỉ đạo các đơn vị thi công, các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện; nhất là hồ chứa Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch và A Lưới sẵn sàng các phương án phòng chống lụt bão khẩn cấp...

Nguyên Lý - Quốc Việt (TTXVN)
Bão số 3 áp sát bờ biển Đà Nẵng- Quảng Ngãi
Bão số 3 áp sát bờ biển Đà Nẵng- Quảng Ngãi

Đến 22 giờ ngày 14/9, vị trí tâm bão số 3 ở trên đất liền các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN