Sợ hãi là vì các ca bệnh thập tử nhất sinh cứ nối tiếp nhau trong tiếng còi hú cấp cứu, kèm theo đó là ánh mắt lo âu tột độ của người mẹ, người chị và có khi là cả gia đình… Còn cảm phục do, sống và làm việc trong môi trường đầy áp lực ấy, nhưng những chiến sĩ áo trắng vẫn luôn vững vàng, chiến đấu ngày đêm giành giật lại sự sống cho người bệnh.
Các y, bác sĩ A9 luôn tiếp nhận những bệnh nhân nặng trong tình trạng thập tử nhất sinh. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Áp lực…
BS Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa A9 cho biết, mỗi ngày A9 tiếp nhận điều trị khoảng 100 bệnh nhân, cao điểm lên tới 160 bệnh nhân. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân không phải là vấn đề, mà gánh nặng, sức ép nằm ở tỷ lệ bệnh nhân nặng và phức tạp luôn lên tới 40 - 50%. Tất cả đều là những bệnh nhân có quá nhiều bất ổn mà tuyến dưới không giải quyết được. Do đó, tại A9 nhiều bệnh nhân được cứu sống nhưng cũng nhiều bệnh nhân đã ra đi khi các bác sĩ chưa kịp can thiệp, điều trị.
Bệnh phòng có hạn, còn nhân lực cũng chỉ gói gọn với 16 bác sĩ và hơn 50 điều dưỡng nên mọi quy trình tiếp đón, phân loại, điều trị… đều được các y, bác sĩ A9 thực hiện rất chuyên nghiệp, chưa khi nào các bác sĩ, điều dưỡng mất thời gian phân công xử lý công việc dù tiếng còi hú cấp cứu luôn dồn dập. Nhưng cũng vì quá tải bệnh nhân nặng nên A9 lúc nào cũng căng thẳng và ngột ngạt như ở “chiến trường”.
Lắm khi, chúng tôi đến viết bài, chỉ có phóng viên ảnh được vào tác nghiệp, còn phóng viên viết phải đứng ngoài nhìn cảnh bệnh nhân cùng tới tấp nhập viện; đến các y, bác sĩ cũng phải luồn lách di chuyển qua các hàng cáng để thực hiện công tác thăm khám, chăm sóc cho người bệnh. Thân nhân người bệnh ai cũng lo âu, nhiều người tưởng như không thể chịu đựng nổi nỗi đau khi người thân đang ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, họ ngồi xụp xuống hoặc dựa lưng vào tường nhưng mắt vẫn dõi theo từng nhịp thở yếu ớt chỉ còn hiển thị trên màn hình.
Quá áp lực, quá bận rộn, một bác sĩ trẻ chia sẻ rằng, có lần, anh cùng kíp trực “quần quật” cả đêm với bệnh nhân, bệnh án, ra y lệnh, xử lý sự cố phát sinh… Sáng hôm sau, ai cũng bơ phờ và cũng tới lúc đó mới nhận ra vừa cùng trực với một đồng nghiệp nữ trong kíp trực đêm qua.
… niềm vui
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Sằm Văn Tài sau khi được cứu sống bằng kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Lúc này, ở phía góc phòng bệnh, hình ảnh người vợ trẻ đứng bên giường bệnh nhẹ nhàng sửa lại cổ áo rồi tình cảm nắm nắm lấy bàn tay chồng, khiến tôi chú ý. Hỏi ra, chị là Vũ Thị Na, vợ bệnh nhân Sằm Văn Tài, 39 tuổi, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, người vừa được các bác sĩ A9 cứu sống sau hôn mê ngừng tuần hoàn.
Trước đó, anh Sằm Văn Tài bị hôn mê, ngừng thở, tím toàn thân… Dù các bác sĩ Bệnh viện huyện Vị Xuyên, nhanh chóng tiến hành cấp cứu, tim đập trở lại nhưng vẫn không có huyết áp, phải thở máy, hôn mê sâu và tiên lượng rất xấu.
Khi được liên hệ, và chuyển đến A9, anh Tài vẫn trong tình trạng trầm trọng, hôn mê sâu, huyết áp tụt… Bằng khả năng vào kinh nghiệm trong nghề, các y, bác sĩ A9 đã tiến hành hồi sức tích cực và áp dụng ngay kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu . Nhờ vậy, bệnh nhân đã thoát khỏi tay của tử thần, hồi phục tốt.
“Gia đình chỉ nghĩ còn nước còn tát nên mới chuyển về A9. May là được sự điều trị tận tình của các bác sĩ, chồng tôi đã được cứu sống”, chị Na xúc động nói.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, không chỉ có chị Na, mà nhiều thân nhân người bệnh khác cũng khẳng định, rất tin tưởng vào tay nghề của các bác sĩ A9. Chẳng thế mà, không ít gia đình, vẫn kiên quyết, nằn nì xin được ở lại A9 dù đã bác sĩ đã ra y lệnh, chuyển về tuyến dưới điều trị.
Trả lời câu hỏi, năm qua, A9 đã cứu sống được bao nhiêu trường hợp hoặc đã có bao nhiêu người bệnh được cứu bằng kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu, BS Chi đáp: “Thực sự, không thể nhớ nổi, có quá nhiều bệnh nhân nặng đã được tiếp nhận điều trị. Với chúng tôi, bằng khen, thành tích… chính là lời khen tặng, là sức khỏe người bệnh”.
…và cả những nỗi buồn
Vất vả, căng thẳng trường diễn là thế nhưng không phải lúc nào các bác sĩ A9 cũng nhận được lời khen tặng của người bệnh. Ngược lại vì thiếu hiểu biết, vì tâm lý muốn được khám trước, được ưu tiên… nên không ít lần thân nhân người bệnh đã phản ứng, thậm chí tấn công, lăng mạ y, bác sĩ.
Điều dưỡng Lê Diệu Quỳ, có thâm niên 19 năm làm việc tại A9 cho hay, chị làm công tác chăm sóc bệnh nhân toàn diện từ A- Z nên khá rất áp lực. Chuyện y, bác sĩ đến 10 giờ đêm chưa ăn cơm tối, thậm chí mệt đến quên cả ăn là chuyện thường ngày. Tuy nhiên, không ít lần chị Quỳ phát khóc vì bị bệnh nhân sừng sộ vô lý của thân nhân người bệnh.
“Nhưng làm việc ở nơi đầu sóng ngọn gió này, tất cả chúng tôi đều dần thích nghi. Tôi luôn nhớ một câu mà bác sĩ trong khoa đã nói “nhân viên y tế cần có trái tim nóng và cái đầu lạnh để giữ được bình tĩnh và làm việc hiệu quả hơn”, chị Quỳ chia sẻ.
Áp lực là vậy nên một số ít bác sĩ sau một thời gian làm việc, không thể trụ lại và xin chuyển đi khỏi A9. Nhưng như BS Nguyễn Văn Chi tự hào cho biết, những người còn lại đều là các bác sỹ nội trú, rất hiếm và thực sự đều là những là nhân tài của ngành y. Họ đều là những bác người lính tâm huyết, gắn bó với nghề, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng để cứu người, cứu đời.
Tôi nhớ, một bác sĩ cấp cứu lâu năm đã tâm sự: “Phòng Cấp cứu của mỗi bệnh viện luôn là lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Lằn ranh ấy vô cùng mong manh. Nhiều trường hợp, chỉ một giây thao tác chậm, một sơ sẩy nhỏ của bác sĩ là có thể dẫn tới hậu quả xấu nhất”. Nhưng với bản lĩnh của các bác sĩ A9, tôi tin, các anh, các chị sẽ luôn vững vàng trên con đường đã chọn, để tiếp tục để “bắt ma”, tiếp tục trả lại những người bệnh về cho gia đình và bè bạn thân yêu.
Trong gần 15 năm qua, trên 500.000 bệnh nhân đã được cấp cứu và điều trị tại khoa Cấp cứu A9. Rất nhiều kỹ thuật cấp cứu tiên tiến được triển khai hiệu quả như: Thông khí nhân tạo cấp cứu tiên tiến, cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao, kiểm soát huyết động cấp cứu , kỹ thuật tiêu sợi huyết cho bệnh nhân nhồi máu não giai đoạn cấp, kỹ thuật hạ thân nhiệt… |