Ám ảnh ‘thế giới’ của những bệnh nhân trầm cảm

Số bệnh nhân trầm cảm có xu hướng ngày một gia tăng. Đáng nói, không ít bệnh nhân trầm cảm đã tìm đến cái chết vì không cố vượt qua được nỗi buồn và cảm giác vô dụng, không muốn sống.

Thăm khám cho bệnh nhân trầm cảm tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thế Anh.

Nằm ở tầng 1, phía bên phải của Khu nhà T4, Khoa Điều trị rối loạn liên quan đến stress, nơi điều trị cho nhiều bệnh nhân trầm cảm khá yên tĩnh, không hề có cảnh bệnh nhân la hét, ầm ĩ như vẫn thấy ở các bệnh viện tâm thần.


Trên đường cùng chúng tôi vào khoa, TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan đến stress, chợt dừng bước rồi đứng cạnh, hỏi thăm một bệnh nhân nữ có vẻ mệt mỏi, cứ đứng im và nhìn vô định về phía trước. Thấy BS Tâm hỏi về sức khỏe, nữ bệnh nhân đó chỉ gật rất nhẹ, thỉnh thoảng mới trả lời “có” hoặc “không” với vẻ mặt không hề muốn giao tiếp.


- “Bệnh nhân này bị trầm cảm nặng, còn gọi là trầm cảm sững sờ, biểu hiện vô cảm với mọi thứ. Hôm nay, bệnh nhân đã khá nhiều, đáp ứng khi giao tiếp chứ mấy hôm trước, bệnh nhân không chịu tiếp xúc, không nói gì, không cả tắm rửa…”, BS Minh Tâm cho biết.


Sau đó, chúng tôi còn bắt gặp những bệnh nhân bị băng bó tay, chân, một phụ nữ trung tuổi nọ còn mắt nhắm, mặt cứ ngước lên trần nhà rồi xăm xăm đi tới đi lui trông rất lạ... BS Minh Tâm chia sẻ: “Đó đều là những bệnh nhân trầm cảm cả. Những người quấn băng ở tay, chân kia đều là những người một hoặc nhiều lần cố tình tự sát, người thị tự cứa chân tay, người thì quấn dây điện vào chân tay rồi cho vào ổ điện để… đòi chết”.


Ước tính, 4% dân số Việt Nam mắc bệnh trầm cảm và 80% bệnh nhân trong số đó chưa được điều trị đúng và đủ. Mỗi năm, nước ta có khoảng 36.000 - 40.000 người tự sát do trầm cảm.

Tại Phòng bệnh P1.01, chúng tôi thực sự không thể dấu được nỗi thương cảm khi chứng kiến cảnh người mẹ buồn bã, cảm giác rất muốn khóc mà không thể khóc nổi vì cô con gái rượu đang là sinh viên năm thứ 2 tại một trường ĐH ở Hà Nội bỗng dưng bị mất ngủ, hoảng hốt, luôn nói lảm nhảm gì đó về việc học tập. Sau nhiều ngày điều trị nhưng hiện tại, cô bé vẫn mệt mỏi nằm trên giường bệnh, vô cảm với xung quanh, hai mắt luôn nhìn trân trối lên trần nhà.


Theo một bác sĩ điều trị, đây cũng là một trường hợp bị trầm cảm, bệnh nhân bị căng thẳng do áp lực trong học tập. Việc điều trị cho những bệnh nhân này là khá khó khăn do cần phải giải quyết dứt điểm nguyên nhân gây bệnh. Nhưng thực tế, nhiều bạn trẻ hoặc chính gia đình họ không chấp nhận chuyện chấm dứt việc học tập đang khiến con trẻ bị căng thẳng, dẫn đến trầm cảm. Chưa nói đến chuyện, nhiều gia đình, đến nay, còn ngại, không dám chấp nhận hoặc vẫn sợ mọi người biết được con cái mình đang hoặc đã từng phải vào viện tâm thần để điều trị.


Bác sĩ vừa dứt lời thì người cha của bệnh nhân Phòng bệnh P1.01 đã ngập ngừng đứng trước cửa phòng, khẩn khoản nói: “Các anh, các chị đừng đưa tên và hình ảnh của cháu nó lên báo, lên truyền hình. Nếu là con trai thì chúng tôi không ngại nhưng đằng này, cháu nó là con gái, còn sau này nữa…”.


Nhìn vẻ mặt buồn bã của người cha, nhóm phóng viên đều khẳng định sẽ thực hiện đúng nguyên tắc không đăng tên và hình ảnh nếu không được bệnh nhân hoặc gia đình họ cho phép. Tuy nhiên, chúng tôi đều day dứt tự hỏi: “Những bạn trẻ chịu áp lực về học tập tới mức stress và rơi vào trạng thái trầm cảm có nhiều không?”.


Giải đáp thắc mắc này, TS.BS Dương Minh Tâm cho biết: “Đáng tiếc, ngày càng nhiều có nhiều bạn trẻ nhập viện vì áp lực trong học tập; trong đó, nhiều cháu mắc bệnh oan uổng do phải gánh áp lực học tập theo ý thích cha mẹ”.


Theo TS Minh Tâm, hiện tại, trong Khoa còn một trường hợp nữ sinh viên khác đang học đại học năm thứ 2 tại Hà Nội. Cách đây gần 1 năm, tức là cuối năm thứ nhất, dù kết quả học tập vào loại khá nhưng nữ sinh này bắt đầu trăn trở, lo ngại việc chọn lựa ngành học không phù hợp. Tuy thế, em không hề chia sẻ cùng ba mẹ về những lo lắng này. Sang đến năm thứ 2, cô bé ngày càng không hứng thú với việc học tập; và ngày càng căng thẳng hơn khi ở trong trạng thái tiến thoái lưỡng nan, nếu đổi ngành thì phải bắt đầu học từ đầu, mà gia đình ở xa…


Bởi vậy, nữ sinh này thường xuyên đau đầu, căng thẳng, mất ngủ, bi quan, kết quả học tập giảm sút… Đây chính là vòng luẩn quẩn khiến khiến em càng rơi vào vòng xoáy không lối thoát và rất muốn tự tử.


“Rất may, sau đó, gia đình đã biết chuyện và kịp thời đưa cô bé vào bệnh viện điều trị, tránh cái chết oan uổng. Hiện nay, nữ sinh viên này đã đỡ đau đầu, mất ngủ… nhưng vẫn phải tiếp tục điều trị trong thời gian tới. Gia đình cũng đã hiểu và thông suốt việc cần chọn giải pháp tùy theo năng lực, tính cách, sở thích để giải thoát áp lực, dần dần sẽ mất stress, giúp bệnh nhân tỉnh táo, dễ chịu hơn…”, TS.BS Dương Minh Tâm giải thích.

Bệnh nhân Khổng Văn Tiến cảm ơn bác sĩ đã hết lòng điều trị khi phải nhập viện lần thứ 2 vì trầm cảm. Ảnh: P.Liên.

Gặp BS Dương Minh Tâm trên đường tiễn chúng tôi ra về, bệnh nhân Khổng Văn Tiến, cứ níu BS Tâm lại, vừa cười vừa rối rít nói: “Cảm ơn bác sĩ, tôi khá hơn rồi, sắp được ra viện rồi”.


BS Minh Tâm cho hay, cách đây hơn 1 tuần, bệnh nhân Tiến cũng phải nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, lo âu, mất ngủ và luôn khóc lóc vì bị thu bằng lái xe, ô tô thì bị giữ chưa biết rõ khi nào được trả lại. Sau một thời gian điều trị, tinh thần bệnh nhân đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, rất khó khẳng định bệnh nhân Tiến có phải quay trở lại điều trị tiếp theo không vì bệnh trầm cảm thường tái phát, với bệnh nhân Tiến đây cũng là lần nhập viện thứ 2.


Vậy làm thế nào để tránh bị trầm cảm? Theo các chuyên gia tâm thần, trầm cảm là một bệnh rất dễ mắc với bất kỳ ai. Để phòng bệnh, hãy trò chuyện với mọi người, nhất là người bạn cảm thấy tin cậy; đồng thời, tích cực vận động, tập luyện thể dục thể thao; tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện.


Nếu thấy khí sắc giảm (luôn ủ dột, u sầu, chán chường); giảm ham thích, giảm năng lượng, dễ mệt mỏi... và kéo dài trên 2 tuần thì bệnh nhân cần đến cơ sở để được tư vấn đều trị.Thực tế, do không được tiếp cận sớm với dịch vụ y tế, không ít bệnh nhân trầm cảm đã tìm đến cái chết vì không cố vượt qua được nỗi buồn, cảm giác vô dụng và không muốn sống”, TS.BS Dương Minh Tâm khuyến cáo.


Phương Liên (Báo Tin Tức)
Hãy cùng trò chuyện để phòng chống trầm cảm
Hãy cùng trò chuyện để phòng chống trầm cảm

“Hãy cùng trò chuyện để phòng chống trầm cảm” là chủ đề của lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Sức khỏe thế giới (7/4) do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổ chức Y tế thế giới ( WHO) tổ chức tại Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ngày 7/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN