Bình yên biên giới
Trong năm 2015, có 4 cặp thôn bản hai bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc (đoạn qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn) làm lễ kết nghĩa. Gần đây nhất là tháng 10/2015 thôn Nà Nưa, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và thôn Nà Hoa, trấn Hạ Đống, huyện Long Châu, thị Sùng Tả, Quảng Tây (Trung Quốc) đã hoàn tất ký kết thỏa thuận kết nghĩa.
Việc kết nghĩa đã đưa hoạt động ngoại giao nhân dân giữa hai bên ngày càng hiệu quả, gắn kết quan hệ tình cảm gắn bó tự nhiên, lâu đời giữa cư dân biên giới thông qua thăm viếng lẫn nhau, giao lưu văn hóa. Từ những việc làm thiết thực đó, nhận thức và ý thức chấp hành của nhân dân khu vực biên giới đã được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, việc kết nghĩa cụm cư dân biên giới cũng đã giúp công tác tuyên truyền giáo dục cho cư dân hai bên, nhất là lớp trẻ, hiểu được truyền thống văn hóa, mối quan hệ dân tộc, thân tộc lâu đời giữa hai địa phương; qua đó đặt nền móng xây dựng ý thức trách nhiệm trong bảo vệ, xây dựng tuyến biên giới bình yên.
Lễ ký kết giữa hai thôn Nà Nưa (ViệtNam) và Nà Hoa (Trung Quốc). |
Trung tá Hoàng Văn Lĩnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Mã cho biết: Theo nội dung biên bản ký kết, hai thôn kết nghĩa sẽ cùng nhau phối hợp bảo vệ nguyên trạng đường biên, hệ thống mốc quốc giới và vật đánh dấu đường biên giới; cùng nhau tuyên truyền các hiệp định, quy chế về biên giới mà hai nước đã ký kết, đặc biệt là 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền đã được Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc ký kết.
Việc kết nghĩa bản - bản là một hoạt động ngoại giao nhân dân hết sức sâu sắc, ý nghĩa bởi việc kết nghĩa vừa tăng được tình hữu nghị, giao lưu, hiểu biết nhau giữa những người dân hai bên biên giới, từ đó cùng chung tay xây dựng đảm bảo an ninh trật tự tuyến biên giới, cùng với đó là người dân thêm phần gắn bó, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Cộng đồng phát triển
Từ trước đến nay, bà con thôn, bản hai bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc vốn đã luôn giao lưu văn hóa, hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế. Khi kết nghĩa, tình cảm của nhân dân ở hai bên biên giới càng được gắn chặt và việc hợp tác sản xuất sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn rất nhiều. Theo cam kết khi thực hiện kết nghĩa cụm cư dân biên giới, hai bên sẽ cùng nhau phối hợp, giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, cung cấp giống, kinh nghiệm kỹ thuật nuôi trồng. Đồng thời cùng giúp nhau thu hoạch, trao đổi sản phẩm hàng hóa địa phương.
Bà Đàm Thị Sen, Trưởng thôn Nà Nưa chia sẻ: Hai thôn Nà Nưa và Nà Hoa nhiều năm nay vẫn luôn giao lưu văn hóa cũng như phối hợp với nhau trong sản xuất kinh tế. Thôn Nà Hoa thường hỗ trợ cây giống cho Nà Nưa, tiêu biểu như những năm gần đây là giống mía; khi đến vụ thu hoạch thì nhân dân Nà Hoa lại giúp nhân dân Nà Nưa bao tiêu sản phẩm. Ngược lại, người dân Nà Nưa cũng thường xuyên qua hộ nhân dân Nà Hoa thu hoạch nông sản và sang tải hàng hóa tại bãi hàng bên phía bạn. Qua đó, những năm gần đây đời sống các hộ dân hai thôn đã được cải thiện đáng kể. Hiện tại, cả thôn Nà Nưa chỉ còn 8 hộ nghèo trên tổng số 67 hộ dân.
Theo đánh giá của Đồn Biên phòng Pò Mã, sau hơn một tháng kết nghĩa, hai bên đã phối hợp lao động sản xuất kinh tế hợp lý hơn, tận dụng được lợi thế chung từ cặp chợ biên giới và khu bến bãi cửa khẩu. Thôn Nà Hòa đã thường chủ động gọi người dân Nà Nưa qua bên bãi xe phía bạn để phối hợp lao động sang tải hàng hóa, tạo việc làm và thu nhập ổn định. Cùng với đó, hai thôn đã cùng bàn bạc để lên kế hoạch sản xuất nông nghiệp mùa vụ sao cho phù hợp, hiệu quả.
Một mùa xuân mới sắp về, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc giờ đây đã tràn ngập một màu xanh bạt ngàn của sức sống mới, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi biên cương của Tổ quốc ngày càng được nâng cao; đặc biệt với việc kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới càng làm nồng thắm thêm tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, từ đó xây dựng một tuyến biên giới bình yên, ấm no và hạnh phúc.