Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị về tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết, tay chân miệng, COVID-19 trên địa bàn An Giang được tổ chức sáng 14/6.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Trần Quang Hiền cho biết, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đang có diễn biến phức tạp. Số ca mắc bắt đầu tăng mạnh từ tháng 2 đến nay và hiện chưa có dấu hiệu giảm. Đến nay, toàn tỉnh có 10/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết (tăng vượt trên 100% so với cùng kỳ) với 1.311 ổ bệnh ở 143/156 xã, phường, thị trấn (chiếm 91,6% tổng số xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh). Trong đó, 5/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc tăng trên 500% so với cùng kỳ gồm: thị xã Tân Châu, các huyện Châu Phú, Phú Tân, An Phú, Tịnh Biên và Thoại Sơn. Hiện toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do mắc sốt xuất huyết.
Theo Giám đốc Sở Y tế An Giang, số ca mắc sốt xuất huyết của tỉnh đang cao nhất trong số 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 2 ở khu vực phía Nam (sau Thành phố Hồ Chí Minh). Dự báo thời gian tới, ở An Giang có thể ghi nhận khoảng 500 ca mắc sốt xuất huyết/tuần; vào tháng 7 có thể vượt 1.000 ca/tuần.
Để chủ động trong công tác điều trị, ông Trần Quang Hiên yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tiếp tục thu dung, điều trị người bệnh sốt xuất huyết theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời theo dõi sát tình trạng điều trị của bệnh nhân để sớm phát hiện các diễn biến xấu, kịp thời hội chẩn khoa, bệnh viện hoặc tuyến trên…
Các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố củng cố và duy trì hoạt động của Nhóm điều trị sốt xuất huyết và đường dây điện thoại nóng phòng, chống sốt xuất huyết trong đơn vị, giữa đơn vị với tuyến trên để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để người dân có thể nhận biết được các dấu hiệu của bệnh, nhất là các dấu hiệu cảnh báo nặng cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời; khuyến cáo người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt để phòng bệnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị các huyện, thị xã, thành phố quyết liệt hơn nữa, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các dịch bệnh khác. Lãnh đạo các địa phương chỉ đạo sâu sát hơn công tác phòng, chống sốt xuất huyết để giảm thiểu số ca mắc và tử vong trên địa bàn; đồng thời, đánh giá đúng, đầy đủ, toàn diện những yếu tố nguy cơ đặc thù trên địa bàn từ khóm, ấp đến xã, huyện, thị xã, thành phố để có những giải pháp phù hợp; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như: họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình…
Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ bệnh, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; tập trung triển khai công tác tiêm chủng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong. Đồng thời, chủ động chuẩn bị đủ kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng, chống dịch; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra và hỗ trợ các địa phương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch và có biện pháp chỉ đạo kịp thời, phù hợp để khắc phục các tồn tại của địa phương, tập trung các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, một trong những giải pháp quan trọng để phòng, chống sốt xuất huyết là phát động chiến dịch toàn dân diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi ngay chính nơi mình làm việc, sinh sống. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học thực hiện tổng vệ sinh môi trường, không để tồn tại vật chứa có nguy cơ đọng nước tại nơi làm việc…