Ông Đoàn Minh Triết, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho biết, một trong những trọng tâm của ngành năng lượng tỉnh An Giang là đánh giá tiềm năng và khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, đồng thời góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
"Tôi hy vọng rằng sau hội nghị này, các công ty và doanh nghiệp thu hoạch được nhiều kiến thức về phát triển năng lượng tái tạo và sẵn sàng triển khai thành công các dự án năng lượng tái tạo sắp tới", ông Đoàn Minh Triết nói.
Theo Phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công Thương An Giang, Chiến lược Phát triển Năng lượng bền vững của tỉnh An Giang nhấn mạnh đến chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tại tỉnh như ưu đãi đầu tư cho dự án đầu tư sản xuất kinh doanh được miễn tiền thuê đất 7 năm và các ưu đãi khác theo quy định của Chính phủ.
Các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật (cụm công nghiệp) được miễn tiền thuê đất 11 năm, được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và các ưu đãi khác theo quy định của Chính phủ. Đồng thời nếu dự án đầu tư tại các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn (như huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú) được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp 10%.
Ông Nguyễn Minh Triết, Phó trưởng Phòng Quản lý Năng lượng cho biết, hiện nay, đang có 4 dự án năng lượng mặt trời, với công suất 320 MWp được triển khai tại huyện Tịnh Biên và Châu Thành, và 5 dự án điện mặt trời tại huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, có công suất 463 MWp đang trình Bộ Công Thương thẩm định.
Tại hội nghị, khách tham dự đã được nghe giới thiệu không chỉ những kinh nghiệm và kiến thức về phát triển năng lượng bền vững mà còn cả các hướng tiếp cận mới nhằm kết hợp sản xuất năng lượng tái tạo vào sản xuất năng lượng tại địa phương. Những kinh nghiệm này đã được tích lũy từ những ứng dụng thực tiễn thành công nhất của bang Mecklenburg-Vorpommern (Đức) về năng lượng tái tạo.
Bà Olga Weigel, Giám đốc Chương trình thí điểm của Chính phủ và Liên bang Đức nhấn mạnh: "Chúng tôi làm việc rất chặt chẽ để tìm ra các giải pháp hỗ trợ nhằm giúp đỡ tỉnh An Giang phát triển năng lượng tái tạo để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Chúng tôi vui mừng khi hỗ trợ góp phần để tỉnh An Giang đạt được những mục tiêu này".
Tiến sĩ Ditmar Schmidt, Giảng viên quốc tế và Đồng sáng lập Hiệp hội Sáng kiến Năng lượng mặt trời bang Mecklenburg – Vorpommern (SIMV e.V) cho biết, năng lượng mặt trời và sinh khối tại Tỉnh An Giang vẫn còn ở giai đoạn ban đầu. Trong bối cảnh đó, việc phát triển năng lực cho các đơn vị tại địa phương là vô cùng quan trọng.
Thông qua những khóa tập huấn, các nhà đầu tư và phát triển dự án sẽ được tăng cường kiến thức về quá trình sản xuất điện mặt trời và năng lượng sinh học cũng như thêm tự tin trong thực hành công nghệ. Các tập huấn do đó là những bước đầu tiên đặt nền móng để các cơ quan quản lý địa phương sẵn sàng cho các dự án năng lượng tái tạo sắp tới, và điều này cũng hỗ trợ An Giang tận dụng tiềm năng điện mặt trời và khí sinh học.
Sau hội nghị này, Sở Công Thương tỉnh An Giang và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) sẽ tổ chức hai khóa tập huấn chuyên sâu cho các cán bộ, chuyên gia, nhà đầu tư tại địa phương về lĩnh vực điện mặt trời và năng lượng sinh học, lần lượt trong các ngày từ 14 đến 16/11 và từ ngày 28 đến 30/11/2018. Chương trình tập huấn sẽ tập trung vào các chủ đề thẩm định, lập quy hoạch và kế hoạch, thiết kế và triển khai các dự án điện mặt trời và năng lượng sinh học.
Theo thỏa thuận hợp tác giữa bang Mecklenburg-Vorpommrtn và tỉnh An Giang, sẽ xây dựng và lắp đặt một hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 3kWp tại trụ sở Sở Công Thương tỉnh An Giang vào tháng 3/2019. Đây sẽ là một trong các hệ thống điện mặt trời áp mái đầu tiên tại tỉnh An Giang. Lắp đặt hệ thống trình diễn này sẽ tạo cơ hội cho việc chuyển giao công nghệ và kiến thức. Đây sẽ là một ví dụ tiêu biểu hình mẫu cho phát triển điện mặt trời áp mái tại An Giang trong tương lai gần.