Đang nằm điều trị ở Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn, Bùi Thị Hằng Nga, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Cho đến giờ, em vẫn hoảng sợ sau tai nạn nổ cồn khi nướng mực hồi đầu tháng 5/2013”.
Hàng năm, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác tại Hà Nội tiếp nhận cấp cứu, điều trị hàng vạn ca bỏng và di chứng sau bỏng. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
“Tiếng nổ của lọ cồn to tới mức em bị ù tai. Lửa cháy nhanh khiến em bị bỏng nặng ở tay, bụng, chân. Lông mày, lông mi cũng bị cháy hết. Bạn bè đưa em đến Trạm y tế sơ cứu rồi đưa lên BV Xanh Pôn”, Nga kể lại về mình bị tai nạn bỏng cồn tại một buổi liên hoan với bạn bè.
Theo BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, BV Xanh Pôn, bệnh nhân Nga nhập viện trong tình trạng bị bỏng nặng, mức độ thương tổn khoảng 20% nên các BS phải tiến hành mổ, ghép da cho Nga. Đến nay, Nga vẫn phải tiếp tục điều trị tại BV Xanh Pôn.
BS Nguyễn Thống khuyến cáo, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp hè là số lượng các ca bỏng do cồn lại tăng lên. Nguyên nhân chủ yếu do người nướng mực chủ quan đổ cồn vào khi lửa chưa tắt hẳn. Điều đáng nói là khi lửa bùng lên, người nướng mực thường có phản xạ rụt tay vào, làm rơi cả chai/lọ cồn xuống nên lửa càng bùng phát mạnh và gây bỏng nặng cho nạn nhân. Do đó, người dân cần phải cẩn trọng khi nướng mực bằng cồn.
Theo các bác sỹ, trường hợp bị bỏng cần dùng nước hoặc cát để dập tắt lửa hoặc dùng áo khoác, chǎn, vải bọc kín chỗ đang cháy để dập lửa (không dùng vải nhựa, ni lông để dập lửa). Ngoài ra, nạn nhân cũng có thể lăn người trên đất liên tục để dập lửa. Sau đó, dội nước lạnh hay cho nước chảy qua vết bỏng khoảng 10 - 15 phút rồi dùng gạc băng vết thương lại và đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để khám, điều trị. Lưu ý, không dùng đá để chườm trực tiếp lên vết bỏng.