Cũng từ các vụ “bà hỏa” ghé thăm cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy tại các khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh đang tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy…
“Bà hỏa” ghé thăm
Khoảng 2 giờ sáng 13/6, hỏa hoạn bất ngờ xảy ra tại xưởng số 2 của Công ty Dệt may SCAVI Huế thuộc Khu Công nghiệp Phong Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngọn lửa bùng cháy dữ dội kèm cột khói bốc cao hàng chục mét. Sau nhiều giờ đồng hồ nỗ lực của cảnh sát phòng cháy, chữa cháy địa phương, đến 10 giờ cùng ngày, vụ cháy mới được dập tắt và không có thiệt hại về người.
Ngày 9/6, hỏa hoạn bùng phát từ diện tích cơi nới tại ngôi nhà số 147 phố Nguyễn An Ninh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Dù được lực lượng chức năng đã dập tắt đám cháy và hướng dẫn, giải cứu an toàn 5 người trong gia đình bị mắc kẹt ra ngoài, song hỏa hoạn đã gây nhiều thiệt hại về tài sản đối với gia đình nhà số 147 phố Nguyễn An Ninh.
Vài ngày trước đó, “bà hỏa” ghé thăm kho chứa thực phẩm của Công ty cổ phần Thương mại Đồng Huy Phát với diện tích khoảng 400m2, địa chỉ tại 84 phố Phú Viên, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Theo thông tin ban đầu, cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp trên nằm trong danh sách các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Đơn vị này đã bị Công an quận Long Biên ra quyết định đình chỉ hoạt động vào tháng 7/2021.
Hỏa hoạn lớn, nhỏ đã liên tiếp xảy ra từ đầu mùa hè 2022 đến nay và với nhiều loại hình cháy phức tạp khác nhau, từ cháy nhà dân, cháy cơ sở sản xuất kinh doanh… thậm chí, cháy cả ở bãi, kho giữ xe vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý của lực lượng chức năng. Như vụ cháy lớn xảy ra vào chiều 6/6 tại địa chỉ số 16 Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh là kho chứa xe tang vật và phương tiện vi phạm giao thông, thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Dù không có thiệt hại về người, còn nguyên nhân cũng như thiệt hại về tài sản đang được cơ quan chức năng làm rõ, song theo thông tin từ dư luận, “bà hỏa” đã thiêu rụi hàng ngàn xe máy các loại cùng ôtô, xe tải... và cơ sở vật chất trong bãi xe.
Còn vụ cháy lớn vào ngày 22/5 tại bãi tạm giữ phương tiện vi phạm của Công an phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một đã làm hơn 140 chiếc xe máy ở khu vực bãi giữ ngoài trời bị cháy, hư hỏng.
Có thể thấy, những đám cháy nêu trên đã phản ánh tình hình phức tạp về cháy nổ vào mùa nắng nóng cũng như cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn nếu các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy bị “bỏ quên”. Như tại Hà Nội, qua rà soát trên địa bàn thành phố hiện có 2.483 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Trong đó, có 1.569 nhà tập thể cũ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua kiểm tra, Công an thành phố phát hiện 315 doanh nghiệp, cơ sở, công trình trên địa bàn thành phố chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào sử dụng. Việc các doanh nghiệp, cơ sở, công trình chưa được nghiệm thu đã đưa vào hoạt động có thể gây nguy cơ cao cháy nổ.
Hiểm họa khó lường
Nguy cơ cháy nổ mùa nắng nóng càng khó lường hơn khi tháng 5/2022, toàn quốc đã xảy ra 154 vụ cháy làm chết 10 người, bị thương 3 người; thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 33,23 tỷ đồng và 6,36 ha rừng. So với tháng 4/2022, tăng 22 vụ cháy (tăng 18,18%); số người chết tăng 2 người, số người bị thương giảm 2 người; thiệt hại về tài sản tăng 10,73 tỷ đồng (tăng 47,6%). Đáng chú ý, phần lớn các vụ cháy là cháy nhà dân; cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh và cháy nhà ở kết hợp kinh doanh.
Theo phân tích của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), nguyên nhân các vụ cháy trong tháng 5/2022 chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện; do sơ xuất, bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; do sự cố kỹ thuật và do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho hay, trước những diễn biến phức tạp từ tình hình cháy nổ vào thời điểm mùa khô, lực lượng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; sử dụng điện an toàn để phòng tránh cháy, nổ. Lực lượng cũng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng App “báo cháy 114” và quan tâm trang thông tin điện tử và Zalo “Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”.
Nhằm hạn chế xảy ra các vụ cháy, nhất là vào mùa nắng nóng, các tỉnh, thành phố trên cả nước đang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy. Như tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ mùa nắng nóng năm 2022. Theo đó, cùng với triển khai thực hiện các văn bản của thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ...
Thành phố cũng yêu cầu các địa phương làm tốt công tác điều tra cơ bản, kịp thời phát hiện, thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với các cơ sở trên địa bàn được phân công; tăng cường kiểm tra đối với khu dân cư, cơ sở, hộ gia đình trên địa bàn theo phân công, phân cấp; kịp thời phát hiện, kiến nghị, hướng dẫn chủ cơ sở, chủ hộ gia đình khắc phục ngay các tồn tại; duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy đã ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động trên địa bàn quản lý.
Theo Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy và phòng cháy hiệu quả trong cao điểm hè 2022, đơn vị đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ. Trong đó, xác định trọng tâm là tuyên truyền, vận động người dân dỡ bỏ “chuồng cọp”, tạo lối thoát nạn thứ hai tại các khu tập thể, chung cư. Cùng với đó là thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các chủ cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ… Trong đó, mô hình “Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy” đang được triển khai mạnh mẽ tại cơ sở. Mô hình được xây dựng theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) nhằm huy động nhanh nhất lực lượng trong dân để chớp “thời điểm vàng” 5-7 phút đầu khi xảy ra cháy...