Sông Hồng mùa này cạn nước. Dọc đôi bờ các tỉnh dòng sông chảy qua, những bãi cát lộ vàng lộ ra là nơi những người dân ven sông Hồng “tranh thủ” mưu sinh. Nhưng ẩn sâu dưới những bãi cát nửa khô nửa ướt kia, là những ẩn họa khôn lường mà người dân không thể biết trước…
Mùa nước cạn…
Sông Hồng chảy từ tỉnh Lào Cai, xuôi về Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội từ bao đời nay mang phù sa bồi đắp cho đôi bờ. Ở hai bên bờ sông, người dân từ bao đời trồng hoa màu nhờ vào lượng phù sa màu mỡ của Hồng Hà. Những năm gần đây, do yếu tố khí hậu và thời tiết liên tục biến đổi, lưu lượng nước của sông Hồng lên xuống thất thường.
Những tháng đầu năm 2013, trên địa phận các tỉnh như Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, lượng nước của sông Hồng xuống thấp nghiêm trọng. Tại những địa phương này, thay vì dòng chảy cuồn cuộn, đỏ ngầu như trước đây của sông Hồng thì nay để “lộ thiên” những bãi cát ngay ven bờ và những cồn cát giữa sông. Nhiều đoạn, dòng chảy bị thu nhỏ lại như khe suối.
Sông Hồng mùa nước cạn, người dân tranh thủ lao động trên bãi cạn, những việc mà khi nước đầy, họ không làm được.
Sông Hồng mùa này mực nước đang xuống thấp ở nhiều địa phận. |
Những người dân gần khu vực sông những ngày này thường mang lưới ra sông đánh cá với hy vọng bắt được những con cá chiên vàng. Họ có thể lội ở những chỗ nước cạn để giăng lưới mà không cần thuyền bè gì. Người dân còn tận dụng mùa nước cạn để lội ra những chỗ nước xuống đến dưới đầu gối để vớt những khúc gỗ, củi bị vùi trong cát. Có những đoạn sông, người dân rủ nhau bắc cầu tạm qua đoạn nước cạn, ra những bãi cát nhô lên giữa hai bên dòng chảy để trồng mía, trồng ngô, khoai.
Sông Hồng cạn nước, trẻ em trong các xóm ven sông cứ chiều chiều lại rủ nhau ra sông tắm cho trâu, đá bóng một cách thích thú trên bãi cát ven sông rồi nhảy tùm xuống chỗ nước cạn để tắm mát. Học sinh ở các trường phổ thông thường hay rủ nhau từng tốp ra ven sông để “píc ních” với mong muốn “thả hồn” mình với thiên nhiên.
Phía dưới bãi cát cạn này là những nguy hiểm đang rình rập. |
Thế nhưng, đâu có ai ngờ đằng sau những bãi cát thênh thang kia, bên dưới những khe nước chảy nhỏ như suối kia là những ẩn họa đang rình rập. Thực tế cho thấy, tuy thời gian này, sông Hồng rất cạn nước ở nhiều khúc sông nhưng dòng chảy ngầm của dòng sông vẫn còn, và lưu lượng nước lớn phía dưới những làn cát mỏng đã tạo nên những cái hố “tử thần”.
Vào mùa này, nếu “chới với” ngay mấp mé dòng chảy nhỏ, nếu không có điểm tựa chắc chắn, người ta có thể bị lún chân và bị cuốn trôi, tụt sâu vào dòng nước.
Theo kinh nghiệm của nhiều người dân sống hai bên bờ sông thì sông Hồng rất sâu, kể cả vào mùa nước cạn. Phía dưới những làn cát còn ẩm nước, phía dưới làn nước chảy nhỏ có những xoáy nước ngầm mà mắt thường nếu không tinh ý khó lòng đoán biết được. Chỉ cần chơi quanh bờ hay thấy nước cạn mà lội ra vớt củi hay bắt cá, người ta dễ dàng bị “chìm nghỉm” trong xoáy ngầm.
Do chủ quan và chưa nắm được quy luật của dòng chảy của sông Hồng nên nhiều người dân trong đó có cả người lớn, những đứa trẻ, học sinh không hề đề phòng, hễ thấy sông Hồng cạn nước là họ sẵn sàng vui chơi hay lao động ngay trên dòng nước cạn. Ẩn họa từ miệng lưỡi “thủy quái” đã làm nên những cái chết đau lòng.
Những cái chết không báo trước
Ở hai bên bờ sông Hồng, trên các địa phận từ tỉnh biên giới Lào Cai, “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” cho đến Hà Nội, thỉnh thoảng, người ta lại chứng kiến những cái chết thương tâm.
Cách đây ba năm, người dân Hạ Hòa (Phú Thọ) không nén nổi đau thương khi ba học sinh trường THPT Hạ Hòa rủ nhau ra bãi cát bờ sông chơi rồi bị sa xuống xoáy nước. Ba học sinh lớp 10 là Nguyễn Thu Hương, Đỗ Quang Thủy, Kim Hoàng Thu Huyền cùng hai học sinh trường tư thục gần đó được nghỉ học, thấy bãi cát thuộc địa phận xã Minh Hạc (Hạ Hòa) bằng phẳng, đẹp và lộng gió nên rủ nhau ra dạo chơi. “Tức cảnh sinh tình”, tốp học sinh này rủ nhau ra tận mép nước cạn.
Đâu ngờ, khi với tay xuống té nước, em Hương đã bước chân vào đúng chỗ cát lở và bị cuốn theo dòng chảy. Do không có kỹ năng, hai em Thủy và Huyền liên tiếp nhảy xuống cứu bạn mà không biết được dòng chảy miết và sâu. Hai học sinh trường tư thục khi thấy ba bạn bị dòng chảy cuốn đi lập tức nhảy xuống cứu bạn. “Thủy quái” đã trực sẵn, ba em học sinh trường THPT Hạ Hòa đã không may bị chết đuối, còn hai em học sinh trường tư thục bị dòng chảy cuốn sang bờ bên kia và được người dân cứu. Mãi đến tám giờ tối, thi thể ba em học sinh mới được cơ quan chức năng vớt đủ. Cái chết của ba em học sinh đã là lời cảnh báo nguy hiểm từ những bãi cát ven sông đối với người dân ở địa phương này.
Tại địa phận xã Vũ Yển Thanh Ba Phú Thọ do sông Hồng cạn nước người dân đã bắc cầu tạm để sang bãi bồi trồng hoa màu. |
Tưởng cái chết thương tâm của ba học sinh trên là lời nhắc nhở đối với mọi người nhưng gần đây, ngày mùng 1/3/2013, chỉ cách chỗ xảy ra tai nạn khoảng 10 cây số, hai sinh viên nam khoa Toán trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) thực tập tại trường THPT Vĩnh Chân (Hạ Hòa - Phú Thọ) bị chết đuối ngay ven bờ sông Hồng. Đó là sinh viên Nguyễn Công Hậu (sinh 1991, trú quán ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) và Đinh Văn Quân (sinh 1991, trú quán ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Cả hai đều chủ quan khi thấy sông Hồng cạn nước và nảy sinh ý định muốn tắm sông để có thêm những kỷ niệm thời kỳ thực tập tại nơi xa. Vào buổi chiều, sau khi đã soạn xong giáo án thực tập, hai sinh viên đã rủ nhau ra bãi cát cạn của sông Hồng, nơi dòng chảy rất nhỏ để tắm. Tuy cả hai đều biết bơi nhưng đâu ngờ, dòng chảy xiết ngầm phía dưới đã nhấn chìm và cuốn cả hai về phía xa. Mãi đến hôm sau, ngày mùng 2/3, thi thể của hai sinh viên mới được cơ quan chức năng tìm thấy và khám nghiệm.
Không thể thống kê hết những cái chết của người dân ở các tỉnh, nơi có sông Hồng chảy qua, rồi những người bị chết hụt khi đang vớt củi hay bắt cá khi sông Hồng cạn. Chỉ biết rằng, ở bất kỳ một đoạn nào của sông Hồng, ẩn họa đã và đang rình rập những ai lơ là, chủ quan.
Cần cảnh báo và nhận thức
Để tránh được những nguy hiểm không báo trước, ở các địa phương nơi có sông Hồng chảy qua cần tuyên truyền và cảnh báo đến người dân khi lao động trên ven sông Hồng cảnh giác những nguy hiểm từ những bãi cát mùa cạn. Đồng thời, mỗi người dân cần có sự nhận thức về quy luật dòng chảy của sông Hồng để tránh được những nguy hiểm không đáng có.
Các nhà trường đóng trên địa bàn các tỉnh có sông Hồng chảy qua cần thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sông nước cho học sinh để khi gặp những tình huống nguy hiểm, các em có thể bình tĩnh để thoát hiểm. Bên cạnh đó, các nhà trường cần thường xuyên nhắc nhở học sinh không vui chơi tại khu vực những bãi cát ven sông, không tắm sông khi có những cảnh báo nguy hiểm.
Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng