Tỉnh Đắk Lắk hiện có 433 cầu dân sinh, trong đó 302 cầu đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, nhất là trong những tháng cao điểm của mùa mưa lũ.
Ẩn họa cầu tạm
Cầu dân sinh Ông Lù bắc qua suối Ea King trên địa bàn xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) bị sập một bên do trận mưa lớn hôm 11/8, khiến gần 130 hộ dân thôn 16 xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại và sản xuất hoa màu. Cầu Ông Lù có chiều dài 14 m, rộng 3 m, được xây dựng từ năm 1977, có kết cấu cầu bằng gỗ, đã mục nát và không có lan can bảo vệ, đã được gia cố nhiều lần. Ông Nguyễn Đức Thông, thôn 16 xã Ea Bar bức xúc: “Cầu đã sập hơn 1 tuần nay nhưng chính quyền vẫn chưa có phương án sửa chữa, làm mới, người dân địa phương luôn bất an mỗi khi đi qua đây. Chúng tôi phải tạm gia cố cầu bằng những thanh ván mỏng để đồng bào đi lại, kịp cho học sinh trong thôn đến trường, tuy nhiên, nguy cơ cầu sẽ bị sập hoàn toàn khi mưa lớn tiếp tục đổ xuống”.
Người dân ở thôn 16 xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn đã tự khắc phục tạm thời những chỗ mục nát trên cầu để đi lại. Ảnh: Dương Giang - TTXVN |
Cầu treo dân sinh bắc qua sông Krông Ana nối từ thôn 1 với thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông có chiều dài 120 m, đã xuống cấp nghiêm trọng do không được duy tu, sửa chữa. Hiện mặt cầu nghiêng về một bên, các trụ cầu đã mục nát. Lo ngại cầu “đổ sụp”, nên hai năm nay chính quyền xã Hòa Phong đã khuyến cáo người dân không được qua lại và xây dựng cầu tạm để người dân qua sông. Là cầu tạm nên các biện pháp đảm bảo an toàn ở cây cầu này bị bỏ ngỏ hoàn toàn, mỗi lần mưa xuống cầu tạm lại bị chìm. Cầu treo này được đầu tư gần 6 tỷ đồng, thuộc dự án quy hoạch sắp xếp ổn định dân di cư ngoài kế hoạch được khởi công từ năm 2011. Tuy nhiên, sau gần 5 năm, nhà thầu mới chỉ xây được hai mố cầu, dự án cầu treo vẫn “treo” khiến 374 hộ với 2.318 nhân khẩu thôn Noh Prông, xã Hòa Phong đi lại gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao khiến thôn Noh Prông bị cô lập hoàn toàn.
Thiếu sự quản lý của ngành chức năng
Ông Tô Quang Dịnh, Phó phòng Quản lý giao thông, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết, phần lớn cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được xây dựng bằng gỗ, tre, cáp treo, do người dân tự xây dựng, thiếu kinh phí duy tu sửa chữa, nên đã xuống cấp, tập trung nhiều ở các huyện Krông Bông, Buôn Đôn, Lắk.
Để đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, hàng năm tỉnh Đắk Lắk đều lập đoàn khảo sát hiện trạng cầu dân sinh trên địa bàn, triển khai các biện pháp cảnh báo, khắc phục sửa chữa đối với những cầu đã xuống cấp. Tỉnh đã và đang triển khai xây dựng 15 cầu thuộc Đề án xây dựng cầu nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020, 9 cầu thuộc Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Các huyện, thị xã Krông Bông, Ea H’leo, Buôn Đôn và huyện Lắk đang sửa chữa, xây mới 33 cầu hư hỏng nặng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân, không nên lưu thông ở những cây cầu treo dân sinh đã xuống cấp, không được xây dựng cầu treo ở những nơi có địa hình phức tạp, nước sông chảy xiết, đặc biệt khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm quy định biển cảnh báo nguy hiểm của ngành giao thông.
Tuy vậy, theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang thiếu sự quản lý của các ngành chức năng, thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa, chưa được phân cấp quản lý rõ ràng, nhiều cầu không có hồ sơ thiết kế, chủ quản lý và đơn vị vận hành, khai thác. Việc thiếu sự quản lý chặt chẽ của các ngành chức năng nên công tác kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên hàng năm hầu như không có, một số bộ phận của cầu bị hư hỏng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.