An toàn Vệ sinh thực phẩm: Phải nâng cao cả ý thức và hành động

Mặc dù Luật An toàn thực phẩm đã được ban hành, nhưng trong thời gian gần đây, hiện tượng sản xuất thực phẩm không an toàn vẫn thường xuyên diễn ra và có chiều hướng nguy hiểm hơn. Xem ra, việc nâng cao ý thức của người dân trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm vẫn là một “cuộc chiến trường kỳ” .

Vì lợi nhuận

Vì lợi nhuận mà người dân trồng chè ở một số khu vực phía Bắc sẵn sàng cho các hợp chất như phân lân, bột đá, xi măng, bùn vào chè ... rồi đem phơi trên đường, mặc cho các phương tiện qua lại, dẫm đạp. Vì lợi nhuận mà người trồng chè bỏ qua “lương tâm”, khiến người tiêu dùng phải “rùng mình” trước chè bẩn. Đó chỉ là một trong rất nhiều dẫn chứng về việc chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giải thích về hiện tượng mất an toàn thực phẩm vẫn thường xuyên xảy ra, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lương Lê Phương cho rằng: “Khó khăn lớn nhất trong việc quản lý chất lượng thực phẩm là vì thói quen sản xuất, kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ tồn tại ở nước ta đã lâu”.

Đơn cử như Hà Nội, một nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm và cũng là nơi tập trung nhiều nguồn lương thực, thực phẩm từ các địa phương xung quanh, việc kiểm soát an toàn thực phẩm rất khó khăn.

Hà Nội là địa phương luôn quan tâm đến công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Theo ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội: “Hà Nội là địa phương sản xuất nông nghiệp lớn, sản lượng 0.000 tấn thịt/năm, 50.000 tấn thủy sản/năm, 150.000 tấn rau và 1,1 triệu tấn ngũ cốc. Hà Nội có khoảng 8-9 triệu dân thường xuyên lưu trú. Hệ thống phân phối có 3.000 điểm bán lẻ, 3.000 điểm giết mổ nhỏ lẻ, 12.000 ha rau... Tuy nhiên, đa số các điểm sản xuất, kinh doanh đều nhỏ lẻ. Do vậy, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là hết sức khó khăn”.

Ông Việt cho biết, “An toàn thực phẩm là một trong những vấn đề được Hà Nội quan tâm nhiều nhất trong thời gian qua, tại nhiều cuộc họp của UBND thành phố đã đề cập tới vấn đề này. Năm 2010, Hà Nội đầu tư cho công tác thú y 15 tỷ đồng, nhưng năm nay Hà Nội tăng đầu tư cho đội ngũ thú y lên tới 70 tỷ đồng, để đảm bảo an toàn thực phẩm”.

“Giác ngộ” ý thức

Theo các lãnh đạo của Bộ NN&PTNT, ý thức của người sản xuất, kinh doanh là vấn đề quan trọng nhất trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, cũng cần phải có những chế tài đủ mạnh để mang tính răn đe. Theo ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Luật An toàn thực phẩm đã có nhưng các cơ quan bên dưới cần tham mưu, đề xuất hướng dẫn các văn bản dưới luật và xử lý nghiêm minh các sai phạm mới đủ sức răn đe, ngăn chặn tình trạng mất an toàn thực phẩm.

Hơn nữa, muốn quản lý tốt khâu sản xuất phải “Xây dựng khu nông nghiệp chất lượng cao, đào tạo đội ngũ quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất và chế biến các sản phẩm nông sản”, ông Phương cho biết.

Cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, ngoài việc đào tạo đội ngũ thanh, kiểm tra thường xuyên thì việc hỗ người nông dân, đặc biệt là những phụ nữ ở nông thôn nâng cao ý thức sản xuất thực phẩm an toàn là quan trọng nhất.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, việc quản lý chất lượng an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay và các năm tới. Cục Chăn nuôi sẽ kiểm tra kỹ về các chất kích thích tăng trưởng, bảo quản; Cục Trồng trọt tập trung vào quản lý chất lượng phân bón, trọng tâm là các tỉnh Tây Nguyên; Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra chất lượng đối với các mặt hàng rau. Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y trực tiếp chỉ đạo quyết liệt các hệ thống giám sát nhập khẩu đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ động, thực vật.

Bên cạnh đó, các đơn vị được phân công cần phân tích, đánh giá nguy cơ rủi ro từ những sản phẩm ở cả trong và ngoài nước, từ đó lên danh sách những sản phẩm, vùng, doanh nghiệp, công đoạn có nguy cơ cao để gia tăng kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, tránh làm tràn lan không hiệu quả.


Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng: Quản lý chặt thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu

Thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, dưới hai dạng nguyên liệu về pha chế, đóng gói hoặc nhập khẩu trực tiếp thành phẩm. Trong đó, tới 90% nhập từ Trung Quốc.
Để quản lý thuốc bảo vệ thực vật, chúng ta đã có Thông tư và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, quản lý chặt chẽ hàng nhập khẩu vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, hàng năm, các địa phương và Cục Bảo vệ thực vật đều thực hiện các cuộc thanh, kiểm tra về chất lượng hàng hóa có trên thị trường, đặc biệt trong thời gian cao điểm và những vùng có dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Thêm vào đó, vừa qua Bộ NN&PTNT có ban hành Thông tư 14 hướng dẫn kiểm tra chặt hơn và làm bài bản bằng cách phân loại các nhà sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để dễ dàng quản lý, đối với doanh nghiệp nào yếu kém thì sẽ kiểm tra thường xuyên hơn. Đồng thời, tăng cường kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng mục đích, tăng cường tuyên truyền cho người dân để họ sử dụng theo phương châm 4 đúng (đúng loại, đúng liều, đúng lúc và đúng cách).
Qua kiểm tra 6 tháng đầu năm 2011, chúng tôi phát hiện khoảng 4% thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu về Việt Nam không đạt yêu cầu, buộc phải tái xuất hoặc tái chế. Kiểm tra hàng loạt các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, lỗi vi phạm chủ yếu là ghi nhãn sai quy định, điều kiện kinh doanh chưa đảm bảo. Riêng về xử phạt, trong hai tháng gần đây đã xử phạt hơn 350 triệu đồng.
Nhưng hiện nay tồn tại một bất cập trong việc kiểm tra, là phí phân tích một mẫu rau chỉ giới hạn 300.000 đồng, theo quy định Thông tư 110 của Bộ Tài chính, nhưng thực tế phải trả gấp 5-6 lần mới phân tích được. Do vậy, chúng tôi đang xây dựng đề án mới để Bộ Tài chính thông qua cho phù hợp với thực tế. Như vậy, chúng ta mới có điều kiện phân tích được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đánh giá được chất lượng thực phẩm.


Hữu Vinh

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN