“Anh cả” của Đề án 1816

“Với mô hình 4K: Khảo sát tốt, kế hoạch tốt, kiểm tra tốt và kết quả thực hiện tốt, Bệnh viện Bạch Mai thực sự là một đơn vị đi đầu sau hơn 2 năm triển khai Đề án 1816 (cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh)", Ths. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, khẳng định.

Khảo sát kỹ trước khi thực hiện

“Không chỉ riêng tôi, các cán bộ luân phiên xuống cơ sở của Bệnh viện (BV) Bạch Mai đều xác định, sẽ làm mọi việc có thể để hỗ trợ hiệu quả nhất cho các BV tuyến dưới, giúp các BV nâng cao chất lượng khám chữa bệnh...”, kỹ sư Nguyễn Xuân Toàn, BV Bạch Mai cười, giải thích vì sao đã 19 giờ 30 tối mà anh vẫn ở trong căn phòng nhỏ của BV Đa khoa tỉnh Yên Bái dành cho các cán bộ luân phiên, mải mê sửa chữa các trang thiết bị y tế cũ, hỏng của BV cơ sở.

Nhờ xác định mục tiêu rõ ràng từ trước khi tham gia Đề án 1816, lại có tay nghề kỹ thuật cao, nên trong thời gian chưa đầy 3 tháng thực hiện nhiệm vụ luân phiên, kỹ sư Nguyễn Xuân Toàn đã sửa chữa được hơn 30 trang thiết bị y tế, giúp BV Đa khoa tỉnh Yên Bái tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của BV.

TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai, trực tiếp khám bệnh cho nhân dân ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.


Kỹ sư Nguyễn Xuân Toàn chỉ là một trong rất nhiều cán bộ của BV Bạch Mai hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi tham gia Đề án 1816. TS. Đào Ngọc Lan - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái, một trong số các tỉnh nhận sự “trợ giúp” của BV Bạch Mai, khẳng định: "Các bác sỹ luân phiên từ BV Bạch Mai tăng cường về Yên Bái đều là những cán bộ giỏi, có tay nghề vững vàng và có khả năng sư phạm tốt. Nhờ vậy, chất lượng chuyên môn của nhiều cán bộ y tế tại Yên Bái được nâng lên rõ rệt, các bệnh viện cũng áp dụng được thêm nhiều kỹ thuật mới, kiến thức về lâm sàng của các bác sỹ ngày càng vững vàng hơn...”.

Chia sẻ về những “bí quyết” trong quá trình triển khai Đề án 1816, TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết: “Khi triển khai Đề án 1816 tại bất kỳ BV tuyến dưới nào, BV Bạch Mai đều làm tốt công tác khảo sát nhu cầu, thực trạng BV tuyến dưới thông qua việc tổ chức các đoàn công tác, tiến hành khảo sát, đánh giá và xác định những nhu cầu cần hỗ trợ. Trên cơ sở nhu cầu đề xuất của tuyến dưới, kết hợp với kết quả đánh giá thực trạng của đoàn khảo sát, lãnh đạo các BV sẽ lập kế hoạch tổ chức ký kết các hợp đồng chuyển giao kỹ thuật. Sau khi chuyển giao kỹ thuật, chúng tôi đều có đánh giá xem các BV tuyến dưới thực hiện kỹ thuật có thực sự hiệu quả không”.

Bác sĩ cũng là “giáo viên”

Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án 1816, đến nay, BV Bạch Mai đã cử 232 lượt cán bộ về hỗ trợ cho hơn 40 BV tuyến tỉnh. Các cán bộ đi luân phiên đã trực tiếp khám chữa bệnh cho 83.723 bệnh nhân, phẫu thuật và làm thủ thuật hơn 60.000 ca, cứu sống nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo và chuyển giao được gần 400 kỹ thuật. Đã có 335 khóa đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn cho 22.499 cán bộ tuyến cơ sở. Ở nhiều nơi, các cán bộ BV Bạch Mai đã giúp đỡ các BV tuyến dưới trong công tác quản lý bệnh viện, thiết kế quy trình khám chữa bệnh, bố trí các khoa phòng một cách khoa học...

Khi cử cán bộ y tế luân phiên về công tác tại cơ sở, BV Bạch Mai còn yêu cầu cán bộ phải có kỹ năng giảng dạy. Bởi lẽ, Ban Giám đốc BV xác định rằng việc hỗ trợ cùng điều trị với BV tuyến dưới chỉ chiếm khoảng 30%, còn chuyển giao kỹ thuật thì chiếm tới 70% hoạt động của Đề án 1816.

Ngoài ra, “bí quyết” triển khai thành công Đề án 1816 của BV Bạch Mai còn nằm ở quan điểm cho rằng: “Nâng cao năng lực không có nghĩa chỉ hỗ trợ đơn thuần về nhân lực, mà cần phải hỗ trợ cho tuyến dưới về trang thiết bị”. Do đó, hơn 2 năm qua, Bệnh viện Bạch Mai đã chủ động tặng cho các BV tuyến dưới hàng ngàn đầu sách có giá trị. BV còn giúp sửa chữa và tặng BV tuyến dưới rất nhiều trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao: Máy điện giải, bộ mask thanh quản, catether...

Ban lãnh đạo BV Bạch Mai thường xuyên giáo dục, quán triệt cán bộ trong toàn BV cần tích cực tham gia Đề án 1816, coi đó là nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của BV. Để khuyến khích cán bộ tham gia Đề án 1816, BV Bạch Mai thực hiện chính sách mọi cán bộ luân phiên được hưởng nguyên các chế độ lương, thưởng, phụ cấp (như đang công tác tại đơn vị). Bồi dưỡng lưu trú theo quy định và trợ cấp thêm 70.000 đồng/ngày x 30 ngày/tháng. Những cán bộ luân phiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được khen thưởng và xét nâng lương trước hạn...

“Khó khăn đấy, vất vả đấy vì xa nhà, xa Hà Nội tới 3 tháng, các cán bộ BV còn phải làm việc tại những nơi mà điều kiện còn nhiều thiếu thốn... Nhưng mỗi cán bộ của BV đều hiểu rằng đó là nghĩa vụ, trách nhiệm, cũng là niềm tự hào của mỗi khi được trực tiếp giao nhiệm vụ cùng tấm thẻ công tác “Cán bộ luân phiên của Bệnh viện Bạch Mai”. Hơn nữa, làm tốt Đề án 1816 cũng là một biện pháp giảm tình trạng quá tải cho chính BV Bạch Mai”, TS Nguyễn Quốc Anh chia sẻ lý do vì sao trong thời gian tới Đề án 1816 sẽ tiếp tục được chú trọng triển khai cùng các hoạt động chỉ đạo tuyến và Đề án BV Vệ tinh mà BV đang thực hiện.

Bài và ảnh:Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN