Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Chủ tịch Công đoàn Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cho biết, công tác vận động cán bộ, đoàn viên công đoàn TTXVN quyên góp tiền, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, áo ấm để hỗ trợ, chia sẻ với bà con, trẻ em các vùng khó khăn đã trở thành truyền thống của đơn vị mỗi dịp Tết đến, xuân về hay những đợt thiên tai lũ lụt.
Xe của Quỹ Trò nghèo (Hà Nội) chuyển quần áo, chăn ấm, ủng, thực phẩm... đến điểm trường Kỳ Sơn Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). |
Ngay đợt rét bất thường vừa qua, các công đoàn cơ sở như Ban biên tập ảnh, báo Tin Tức, báo điện tử VNplus.vn... đã chủ động thành lập đoàn quyên góp áo ấm, đồ dùng sinh hoạt đi phát cho người vô gia cư trên địa bàn Hà Nội. Một đoàn từ thiện khác của đơn vị đã phối hợp với Văn phòng Quốc hội mang hàng quyên góp, ủng hộ đến với bà con các tỉnh Hà Giang, Lào Cai. Hiện Công đoàn Thông tấn cũng đã có kế hoạch để ngay sau Tết Nguyên đán, phát động trong toàn đơn vị chương trình quyên góp tiền, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, áo ấm chia sẻ với các tỉnh vùng cao. Đối tượng và địa chỉ của đợt quyên góp này là trẻ em các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La...
Một trong những đơn vị triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ chăn, áo ấm, ủng và thực phẩm trong đợt rét vừa qua là Quỹ Trò nghèo vùng cao (Văn phòng Hà Nội). Ông Trần Đăng Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Trò nghèo vùng cao, văn phòng tại Hà Nội, cho hay, sau khi thấy tin tức phản ánh về đợt rét đậm, rét hại hoành hành các tỉnh miền núi, đặc biệt là hình ảnh các em nhỏ trần mình trong tuyết lạnh; ngay lập tức, Quỹ Trò nghèo vùng cao đã phát động chiến dịch khẩn cấp ủng hộ áo, ủng cho trẻ em vùng cao chống rét.
Niềm vui có áo ấm của các em học sinh Trường Tiểu học Kỳ Sơn Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). |
Nhận được sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức, với tinh thần khẩn trương giúp trẻ em vùng cao chống rét, trong 24 giờ đầu tiên (ngày 25/1), bất chấp mưa gió, giao thông nguy hiểm vì băng tuyết, quỹ đã tổ chức các chuyến xe chở hàng tỏa đi các huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), Bát Xát (Lào Cai), những nơi thời tiết quá khắc nghiệt, đang duy trì ở mức âm 1 độ C. Trong các ngày tiếp theo, từ 26 - 28/1, hàng chục chuyến xe của quỹ đã tiếp tục chuyển hàng hỗ trợ đến các địa bàn Mường Lát (Thanh Hóa), Kỳ Sơn, Tương Dương (Nghệ An), Nậm Nhùn, Mường Tè (Lai Châu), Văn Chấn, Mù Cang Chải (Yên Bái)... Qua 72 giờ của chiến dịch, quỹ đã nhận được sự ủng hộ và đã chuyển hơn 17.000 áo ba lớp và áo nỉ, hơn 14.000 đôi ủng, giày, nhiều tất, dép, mũ, và 50 bao quần áo rét đã qua sử dụng. Theo đó, đã có khoảng hơn 2 vạn trẻ em nhận được áo ấm, ủng chống rét trong đợt lạnh vừa qua.
Cô Bạch Yến, Hiệu trưởng trường Thực nghiệm - Viện Giáo dục và Đào tạo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, việc quyên góp ủng hộ các trường học vùng cao đã trở thành định kỳ hàng năm của trường. Nhưng năm nay ý nghĩa là đợt quyên góp vừa xong thì thời tiết trở lạnh đột ngột. Bất chấp thời tiết mưa, gió, trường đã nhanh chóng tổ chức đưa hàng ủng hộ đến các điểm trường thuộc địa bàn xã Chi Lăng, Hữu Kiên (Lạng Sơn), xã Vũ Tiến, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Hàng ủng hộ gồm đồ dùng sinh hoạt, áo, chăn ấm, thực phẩm khô, đường, nước mắm, cá khô, lạc, gạo...
Từ thực tế các chuyến từ thiện, đưa hàng hóa quyên góp đến các xã khó khăn, cô Bạch Yến (trường Thực nghiệm) phản ánh, không ít đơn vị đi từ thiện không khảo sát địa chỉ trước, nên bị trùng địa điểm. Trong khi còn nhiều điểm trường, địa bàn khác, cũng rất khó khăn nhưng lại chưa nhận được sự hỗ trợ. Từ thực tế này, cô Bạch Yến băn khoăn: Làm cách nào để những hàng hóa, vật dụng ủng hộ từ miền xuôi lên miền núi đến đúng địa chỉ, hàng hóa phù hợp với nhu cầu, đáp ứng đúng nhu cầu của trẻ em, bà con vùng núi?
Cùng quan điểm với cô Bạch Yến, một nhà từ thiện của Quỹ Trò nghèo chia sẻ, hiện có rất nhiều cơ quan, đơn vị, các tổ chức tự nguyện cùng phát động tinh thần “tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân”... đóng góp tiền, đồ dùng sinh hoạt, quần áo, chăn ấm đã dùng... sẵn sàng ủng hộ bà con, trẻ em các vùng khó khăn. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng biết các địa chỉ cần hỗ trợ. Theo đó, hệ thống báo chí cũng cần vào cuộc. Không chỉ phản ảnh tình trạng khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt của bà con, mà bên cạnh đó cũng nên phản ánh trong khó khăn, trẻ em, bà con các xã khó khăn cần gì, địa chỉ cụ thể ở đâu để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thiện, nguyện chung tay, góp sức hỗ trợ.