Cấp thiết bảo vệ ao hồ của Hà Nội - Bài cuối

Ao, hồ cần giải pháp triệt để xử lý ô nhiễm

Trước thực tế hồ Hà Nội phải đối mặt với ô nhiễm, các cơ quan quản lý cần thực hiện các giải pháp đồng bộ để xử lý ô nhiễm hồ Hà Nội.

Người dân hào hứng tập thể dục trên những máy lọc nước.


Cải tạo đi đôi bảo vệ

Để cải thiện môi trường hồ, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thực hiện thử nghiệm xử lý ô nhiễm tại các hồ bằng những công nghệ khác nhau, áp dụng thí điểm cho 12 hồ tại Hà Nội đã đem lại kết quả tốt. Biện pháp chủ yếu để xử lý ô nhiễm hồ là sử dụng các chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học rắc xuống mặt hồ để làm giảm chỉ số ô nhiễm hoặc kết hợp với các bè nuôi một số loại thực vật thủy sinh như lục bình, thủy trúc…  giúp cải thiện đáng kể chất lượng nước hồ.

Những hồ đã được Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội thử nghiệm xử lý thành công là hồ Quỳnh, hồ Ngọc Khánh, Kim Liên… Đa phần các hồ này trước kia đều là những hồ ô nhiễm, bốc mùi hôi thối. Sau khi được áp dụng các biện pháp xử lý thì ô nhiễm đã giảm, trở thành những nơi phục vụ sinh hoạt cộng đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, nhiều hồ sau khi được cải tạo, nguồn nước có dấu hiệu phục hồi thì cũng nhanh chóng bị ô nhiễm trở lại do hầu hết các hồ trong nội thành Hà Nội đều là hồ điều hòa, có chức năng chứa nước, nhiều nguồn nước thải, đặc biệt là nước thải sinh hoạt vẫn xả thẳng xuống hồ. Cùng với đó, nhiều người dân thiếu ý thức, ngang nhiên xả rác, xả thải xuống hồ, khiến hồ nhanh chóng ô nhiễm trở lại và mất mỹ quan đô thị.

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết: “Các hồ đã qua xử lý cũng chỉ có thể đảm bảo chất lượng nước tức thời, sau giai đoạn xử lý, các thông số ô nhiễm có thể tăng trở lại nếu không được bảo vệ. Do đó, ngoài các biện pháp cải tạo hồ, xử lý các cơ sở vi phạm, xả nước thải, rác thải xuống hồ, để xử lý triệt để ô nhiễm hồ, cần phải sớm tách được hệ thống thoát nước thải ra khỏi hệ thống hồ”.

Khuyến khích mô hình cộng đồng

Để khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ hồ, Hà Nội tiến hành triển khai thí điểm "Mô hình tập thể dục kết hợp bảo vệ môi trường hồ" nhằm lọc sạch nước và có khả năng loại bỏ các chất ô nhiễm trong nước ở 2 hồ Ngọc Khánh và Thanh Nhàn. Giao cho Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, UBND, Hội Cựu chiến binh 2 phường Ngọc Khánh và Thanh Nhàn với sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội, lắp đặt 2 bộ thiết bị gồm 4 máy tại hồ Ngọc Khánh và 1 bộ thiết bị gồm 2 máy tại hồ Thanh Nhàn.

Thiết bị được lắp đặt bao gồm 2 bộ phận: Máy tập thể dục và bể lọc. Khi có lực của người tập, nước hồ sẽ được hút lên và đổ vào một bể lọc trồng thủy trúc, đáy bể lọc là cát lọc ô nhiễm. Nước sau khi được lọc và lắng cặn sẽ đạt tiêu chuẩn sạch và theo đường ống khác chảy ngược trở lại xuống hồ.

Mô hình này được người dân rất ủng hộ. Mới tờ mờ sáng, trời mưa lất phất và rét nhưng bà Bùi Thị An (Đê La Thành, Hà Nội) đã đến hồ Ngọc Khánh để tập thể dục. Dường như đã rất thân thuộc, bà chọn một chiếc máy lọc nước, chân thoăn thoắt đạp, tay đẩy đều theo nhịp bước. Bà An cho biết: “Sáng nào tôi cũng đi bộ 2 vòng quanh hồ rồi quay về máy lọc nước này đạp xe. Chiếc máy này rất tiện ích, vừa nâng cao sức khỏe, vừa lọc được nước hồ, ban đầu tôi chỉ đạp được vài vòng, sau quen dần đạp được vài chục vòng. Từ dạo tập điều độ thấy chân tay đỡ đau nhức và đêm ngủ ngon giấc hẳn".


Cũng giống như bà An, anh Nguyễn Thắng (Kim Mã, Hà Nội) ngày nào cũng đến đây tập thể dục bằng chiếc máy lọc này. “Đạp xe khỏe người mà cũng rất vui, có những hôm phải xếp hàng, chờ một lúc mới đến lượt sử dụng máy. Cũng nhờ thế mà những người tập thể dục quanh đây đều quen nhau. Mọi người vẫn bảo nhau, đạp xe, người khỏe mà hồ lại sạch”, anh Thắng cho biết.

Ông Tạ Ngọc Sơn, Phó trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) cho biết, để đánh giá hiệu quả của chương trình, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã xây dựng mẫu phiếu thăm dò và thực hiện lấy ý kiến của người dân sống xung quanh hai địa điểm lắp máy tại Hồ Ngọc Khánh và Hồ Thanh Nhàn. Kết quả khảo sát cộng đồng, các ý kiến đều đánh giá cao về chương trình này. Đây không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường hồ nói riêng.

“Kinh phí thực hiện dự án năm 2013, 2014 đều là 100% vốn ngân sách. Năm 2015, kế hoạch kinh phí thực hiện sẽ được xã hội hóa 60 – 70%, còn lại sẽ sử dụng vốn của quỹ môi trường Hà Nội. Chúng tôi đã liên hệ với một số công ty, đơn vị về môi trường, tuy nhiên kinh tế khó khăn nên chưa có bên nào nhận lời chính thức, năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa thực hiện dự án này. Theo kế hoạch, sắp tới sẽ lắp tại hồ Nghĩa Đô, Giảng Võ, mỗi hồ hai bộ thiết bị gồm 4 máy tập”, ông Sơn cho biết.

Bà Nguyễn Ngọc Lý cho biết, cùng với các giải pháp về kỹ thuật thì rất cần sự chung tay của cộng đồng để cải tạo và bảo vệ hồ Hà Nội. “Cần cho họ thấy rằng, nếu như hồ Hà Nội tiếp tục ô nhiễm, thì đối tượng nhận hậu quả chính là con người, bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của người dân Thủ đô”, Bà Lý khẳng định.


Bài, ảnh: Thu Trang
Ao hồ Hà Nội ô nhiễm nặng nề
Ao hồ Hà Nội ô nhiễm nặng nề

Hà Nội được đánh giá là thành phố xanh với hơn 100 ao hồ lớn nhỏ trong 10 quận nội thành nhưng hiện nay đều đối mặt với vấn đề ô nhiễm và lấn chiếm, khiến cho những “lá phổi xanh” không còn xanh…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN