Dự kiến ngày 21/9, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ tổ chức thông xe toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài 245 km. Theo tính toán, khi đi từ Hà Nội đến Lào Cai trên đường cao tốc này, thời gian sẽ giảm một nửa từ 7 tiếng đồng hồ xuống còn 3,5 tiếng. Tuy nhiên, vấn đề người dân quan tâm hiện nay là tuyến cao tốc sẽ thu phí ra sao?
Ông Lê Kim Thành, Phó Tổng giám đốc VEC cho biết: Hiện Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam đã xây dựng xong mức phí đối với từng loại phương tiện đi trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Cụ thể: Mức đơn giá cho phương tiện cơ bản - xe ô tô con (loại phương tiện tính quy đổi - PCU: đơn vị đầu xe qua mặt cắt ngang) là 1.500 đồng/km đối với đoạn cao tốc 4 làn từ Hà Nội đến Yên Bái (Km0-080 - Km123) và 1.000 đồng/km đối với đoạn cao tốc 2 làn xe từ Yên Bái đến Lào Cai (Km123 - Km244+570). Mức cước này đã được áp dụng từ khi các đoạn tuyến cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác tạm từ 27/12/2013 đến nay.
Như vậy, dự kiến mức phí đi toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai cụ thể đối với từng loại xe như sau: Đối với xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng là 300.000 đồng/xe/lượt. Đối với xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn là 460.00 đồng/xe/lượt.
Đối với xe từ 31 ghế ngồi trở lên; Xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 610.000 đồng/xe/lượt. Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở công-ten-nơ 20 fit là 760.000 đồng/xe/lượt và xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở công - ten- nơ 40 fit là 1.220.000 đồng/xe/lượt.
Để có cơ sở tính toán và áp dụng cước phí cho từng loại xe, đại diện VEC cho biết đã áp dụng hệ số quy đổi theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 2054: 2005). Có 5 loại xe gồm: xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 12 tấn và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng: hệ số quy đổi là 1; xe từ 12 ghế ngồi đến dưới 30 ghế ngồi, xe tải có tải trong từ 2 tấn đến dưới 4 tấn: hệ số quy đổi là 1,5; xe từ 31 nghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn: hệ số quy đổi là 2; xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe công-ten-nơ 20 fit: hệ số quy đổi là 2,5 và xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe công-ten-nơ 40 fit: hệ số quy đổi là 4.
Theo ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), toàn tuyến cao tốc dài 245 km sẽ có 10 trạm thu phí và mức phí được tính theo km đường. Về hình thức vận hành thu phí sẽ thực hiện hình thức thu phí kín như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Theo đó, khi phương tiện đi vào đường cao tốc sẽ được phát thẻ và lưu số xe, đến khi xe ra khỏi đường sẽ có trạm thu phí dựa theo số km đoạn tuyến trên đường xe lưu thông để tính mức phí.
“Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu sẽ chưa thể dùng thẻ điện tử do hệ thống thu phí điện tử chưa hoàn chỉnh, sẽ tổ chức bán vé in sẵn trên nguyên tắc vào phát thẻ ra trả tiền”, ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra, trên tuyến có 5 trạm dừng nghỉ (hai bên đối xứng) có cây xăng, nhà ăn, bãi đỗ xe đang giao cho các nhà đầu tư triển khai và cố gắng trong quý 4 năm nay sẽ đưa vào sử dụng.Trong thời gian đầu chưa hoàn thiện trạm dừng nghỉ, xe khách đi trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai phải dừng nghỉ ở các nút giao ngoài đường cao tốc.
Cũng theo VEC, trên tuyến đã được bố trí 4 đội vận hành, trực 24/24. Thông qua số đường dây nóng, khi phương tiện gặp sự cố có thể gọi cho lực lượng cứu hộ túc trực ứng cứu. Ngoài ra, VEC đã thực hiện ký kết hợp tác cứu hộ, cứu nạn với cấp cứu 115 và Bệnh viện đa khoa các địa phương tuyến đường đi qua, để khi chẳng may có sự cố tai nạn sẽ cấp cứu kịp thời...
Quang Toàn