Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021.
Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành trong năm 2020?
Có thể nói toàn ngành lao động - thương binh và xã hội đã vượt qua năm 2020 đầy khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật là năm 2020 ngành đã hoàn thiện một bước quan trọng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực lao động và xã hội; tôn trọng nguyên tắc thị trường, giảm sự can thiệp của nhà nước, không bỏ lại phía sau các đối tượng yếu thế.
Các thiết chế của thị trường lao động từng bước được hình thành và phát triển thúc đẩy sự vận hành linh hoạt, hiệu quả của thị trường như thông lệ các nước, thúc đẩy chuyển dịch lao động giữa các ngành, các khu vực của nền kinh tế. Quy mô nguồn nhân lực được mở rộng, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo cơ cấu kinh tế. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể và phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Tỷ lệ thất nghiệp cũng được duy trì ở mức thấp. Đời sống người có công không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm nhanh. An sinh xã hội được tăng cường, kịp thời hỗ trợ người dân bị rủi ro trong cuộc sống; thu nhập của người lao động được cải thiện.
Các kết quả đạt được đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, đảm bảo trật tự, kỷ cương và an toàn xã hội.
Trong bối cảnh vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thưa Thứ trưởng, đâu là dấu ấn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong năm 2020?
Có thể nói, dấu ấn đầu tiên trong năm qua phải kể đến là Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ thông qua Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện gói hỗ trợ đến đúng đối tượng, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Theo báo cáo, trong năm tổng kinh phí đã thực hiện để hỗ trợ cho trên 14 triệu lượt người dân thông qua chi trả trực tiếp hoặc các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, cho vay vốn để trả lương ngừng việc gần 40 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương còn sử dụng một số nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để hỗ trợ các đối tượng người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch không thuộc quy định của Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP.
Tiếp theo là năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành 100% các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm qua, thực hiện sự phân công của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia và Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, đã chỉ đạo Bộ thực hiện tốt vai trò đầu mối triển khai các hoạt động của Cộng đồng Văn hóa xã hội ASEAN, tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội trong khuôn khổ song phương, đa phương, ASEAN và các tổ chức phi chính phủ.
Thưa Thứ trưởng, các hoạt động chăm lo, chuẩn bị Tết cho các đối tượng chính sách như người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đang được thực hiện như thế nào?
Theo đúng phương châm “Vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm” góp phần vào thành công chung các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện việc rà soát, nắm bắt tình hình, thăm hỏi, chăm lo, động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất cho các đối tượng hưởng chính sách; tặng quà đúng đối tượng, đúng chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, đảm bảo tất cả các đối tượng đều có quà và nhận được quà trước Tết; chăm lo Tết chu đáo, an toàn, lành mạnh cho các đối tượng chính sách đang được chăm sóc tại các cơ sở điều dưỡng người có công và các cơ sở trợ giúp xã hội.
Bộ đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định số 07/QĐ-CTN về việc tặng quà cho các đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, với 2 mức quà là 600.000 đồng và 300.000 đồng/1 suất quà cho trên 1, triệu đối tượng, tổng kinh phí thực hiện là gần 518 tỷ đồng.
Ngoài phần quà của Chủ tịch nước, các địa phương đã chủ động trích ngân sách của tỉnh, thành phố và nguồn vận động để tặng quà cho đối tượng người có công dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Bộ đã chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và giáp hạt đầu năm 2021; chủ động xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ người nghèo trong dịp Tết; vận động các tổ chức, cá nhân và bố trí ngân sách địa phương chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm ai cũng có Tết.
Tính đến ngày 29/1/2021, các địa phương đã huy động được hơn 2.650 tỷ đồng để hỗ trợ Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với mức từ 300.000-500.000 đồng/người. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ trên 9.082 tấn gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu cho 605.501 khẩu của 14 địa phương; trên 2.498 tấn gạo cứu đói giáp hạt đầu năm 2021 cho 166.560 khẩu của 5 địa phương.
Bộ Luật Lao động bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về những cải tiến trong Bộ luật mới trong việc mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động?
Những cải tiến của Bộ luật mới đã mang lại những lợi ích thiết thực cho đất nước nói chung và cho người lao động, người sử dụng lao động nói riêng, thể hiện rõ nét ở hai khía cạnh lớn.
Theo đó Bộ luật ghi nhận quyền của người lao động trong việc thành lập, gia nhập tổ chức đại diện của mình; xác lập mô hình đối thoại và thương lượng trong bối cảnh nhiều tổ chức đại diện dựa theo các nguyên tắc tự nguyện, hợp tác, thiện chí, bình đẳng, công khai và minh bạch; tăng cường tính linh hoạt, tự chủ của các bên trong quan hệ lao động, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy thị trường lao động phát triển.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã tạo lập khung khổ pháp lý mới, hiện đại nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, đem lại nhiều lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Bộ luật là một trong những điều kiện quan trọng để Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể hội nhập, tiếp cận thị trường quốc tế thuận lợi hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa và do đó cũng tạo ra nhiều việc làm hơn, đem lại nhiều lợi ích cho người lao động.
Tôi mong rằng người lao động và người sử dụng lao động hiểu thấu đáo về những cải cách của Bộ luật Lao động năm 2019 và thực hiện nghiêm, đầy đủ quy định nhằm phát triển doanh nghiệp tốt hơn nữa, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống và việc làm cho người lao động.
Chính phủ đã đồng ý ban hành chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, việc chuyển đổi tiêu chí nghèo từ đơn chiều sang đa chiều đặt ra những khó khăn, thách thức và cơ hội nào trong thực hiện bền vững, hiệu quả các chính sách xóa đói, giảm nghèo, thưa Thứ trưởng?
Chính phủ đã ban hành Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Việc ban hành chuẩn nghèo mới vào đầu mỗi giai đoạn đều có những thách thức chung.
Chuẩn nghèo mới làm tăng tỷ lệ hộ nghèo đầu kỳ do chuẩn mức sống tối thiểu dân cư của giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước. Vì vậy, chuẩn nghèo mới sẽ làm tăng nguồn lực bố trí từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách giảm nghèo những năm đầu kỳ. Đặc biệt, trong tình hình nước ta hiện nay, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và bão lụt, thiên tai ở khu vực miền Trung làm gia tăng tỷ lệ hộ tái nghèo và tăng khó khăn trong việc bố trí ngân sách bảo đảm thực hiện chính sách.
Việc chuyển đổi từ phương pháp đo lường nghèo đơn chiều, chỉ dựa trên tiêu chí thu nhập, sang đo lường nghèo đa chiều dựa trên tiêu chí thu nhập và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, dẫn đến yêu cầu sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người nghèo nâng cao thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, việc làm. Quy trình, bộ công cụ rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo được sửa đổi, hoàn thiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới được tập huấn đến đội ngũ các cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; tuy nhiên, đội ngũ cán bộ tại cấp cơ sở, đặc biệt là cấp thôn, bản sẽ gặp lúng túng trong năm đầu tiên do cán bộ làm công tác giảm nghèo thường làm kiêm nhiệm và thay đổi thường xuyên.
Bên cạnh thách thức trên, việc thực hiện chuẩn nghèo đa chiều cũng mang lại cơ hội mới trong thực hiện bền vững, hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Chuẩn nghèo mới giúp chúng ta nhận diện đối tượng rõ ràng và chính xác hơn. Từ đó đề xuất các giải pháp tác động hiệu quả đối với từng nhóm đối tượng, phát huy được tính tự chủ của hộ nghèo trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương triển khai những chương trình, chính sách, cơ chế đặc thù để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Chuẩn nghèo là căn cứ để các bộ, ngành liên quan và các địa phương lập kế hoạch, bố trí nguồn lực được ưu tiên tập trung hơn cho các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Đại dịch COVID -19 được dự báo sẽ vẫn còn gây khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp. Năm 2021, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp như thế nào?
Với tinh thần kiên quyết “chống dịch như chống giặc”, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao ý thức trong toàn ngành về phòng, chống dịch COVID-19, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện gói hỗ trợ của Chính phủ đến đúng đối tượng, hiệu quả; chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; ổn định an sinh xã hội. Theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của đại dịch đến người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp.
Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đổi mới thể chế, đơn giản thủ tục hành chính trong lĩnh vực lao động, việc làm, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; chủ động nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ duy trì, khôi phục, phát triển sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện đầy đủ các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm việc làm bền vững cho người lao động; triển khai thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động, việc làm…
Chúng tôi hy vọng, cùng với nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, chúng ta sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 đã đề ra./.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!