Để đảm bảo quyền lợi của đơn vị, doanh nghiệp và người dân, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm xã hội 11 tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo các phòng trực thuộc, Bảo hiểm xã hội cấp huyện xây dựng phương án ứng phó, phòng chống bão lũ, đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, hồ sơ, tài sản; phân công cán bộ thường trực tại trụ sở để kịp thời tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho đơn vị, doanh nghiệp, người dân. Bảo hiểm xã hội nghiêm túc quán triệt và thực hiện đầy đủ chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn về phòng, chống bão lũ; có trách nhiệm cùng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tại địa phương tham gia ứng trực, cứu hộ, giúp đỡ nhân dân vùng bão lũ.
Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lưu ý các đơn vị chủ động, áp dụng các biện pháp linh hoạt để thực hiện việc thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, như: trực tiếp thu tiền của người dân trong trường hợp người dân đến nộp tiền để gia hạn thẻ bảo hiểm y tế do đại lý thu không thu tiền vì lý do bất khả kháng. Trường hợp đại lý thu đã thu tiền đóng bảo hiểm y tế của người mới tham gia, hoặc gia hạn thẻ bảo hiểm y tế nhưng chưa nộp tiền ngay cho cơ quan Bảo hiểm xã hội thì hướng dẫn đại lý thực hiện gửi tin nhắn cam kết với cơ quan Bảo hiểm xã hội để kịp thời cấp mới, gia hạn thẻ cho người tham gia.
Bảo hiểm xã hội 11 địa phương đẩy mạnh giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công của ngành. Kịp thời tạm ứng đủ kinh phí cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh; phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân trong khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng lưu ý các địa phương này cấp thuốc điều trị đối với các trường hợp mắc bệnh mãn tính, điều trị dài ngày phù hợp với điều kiện đi lại của người bệnh; hỗ trợ về thủ tục hành chính trong chuyển tuyến khám, chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế được kịp thời chuyển tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi cơ sở khám, chữa bệnh bị cách ly, cô lập do bão lũ…
Bảo hiểm xã hội chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan Bưu điện xây dựng phương án tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với diễn biến bão lũ tại địa phương; chi trả kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người tham gia, đồng thời đảm bảo an toàn trong quá trình chi trả; áp dụng linh hoạt các biện pháp chi trả, kể cả phương án chi trả trực tiếp tại nhà cho người hưởng; thông tin trước 2 ngày cho người hưởng biết về phương thức chi trả, thời gian chi trả.
Ngoài các địa phương trên, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, tăng cường các biện pháp để đôn đốc thu, phát triển đối tượng, giảm nợ đọng, đảm bảo hoàn thành toàn diện chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2020.