Chiều 6/12, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có cuộc họp bàn các biện pháp ứng phó với bão Hagupit đang hướng vào Biển Đông. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp. Chùm ảnh đường đi và vị trí của cơn bão. Ảnh: nchmf.gov.vn |
Theo nhận định của ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Bão Hagupit sẽ đi vào khu vực Biển Đông trong khoảng từ đêm 8/12 đến sáng 9/12 với cường độ bão cấp 12. Sau khi vào Biển Đông, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đó lệch dần về hướng Nam, tốc độ di chuyển khoảng 10km/h.
Khi bão di chuyển đến khoảng giữa Biển Đông, sẽ có 3 khả năng xảy ra. Khả năng thứ nhất là bão tiếp tục duy trì hướng Tây và đi vào vùng biển Nam Trung Bộ (Phú Yên – Bình Thuận) trong khoảng ngày 11-12/12 với cường độ bão cấp 8 hoặc yếu hơn, kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa to đến rất to cho khu vực Nam Trung Bộ (300-400mm).
Khả năng thứ 2 là bão di chuyển đến ven biển Nam Trung Bộ, sau đó đi vào khu vực Nam Bộ dưới dạng áp thấp nhiệt đới hoặc vùng áp thấp trong khoảng ngày 12-13/12, kết hợp với không khí lạnh, bão sẽ gây mưa to cho khu vực Nam Trung Bộ (200-300mm) và Nam Bộ (50-100mm). Khả năng thứ 3 là bão di chuyển gần kinh tuyến 110E và suy yếu, tan trên biển hoặc đi sâu về phía Nam, không ảnh hưởng đến đất liền nước ta.
Ông Cường cho biết thêm, khoảng đêm nay (6/12) không khí lạnh sẽ tăng cường xuống nước ta, gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8 trên Vịnh Bắc Bộ, gây mưa vừa, có nơi mưa to ở các tỉnh ven biển Trung Bộ. Khoảng 11-12/12, một đợt không khí lạnh mạnh sẽ gây gió mạnh trên hầu hết Biển Đông. Bắc Bộ có khả năng rét đậm.
Hiện nay, lực lượng biên phòng các tỉnh thành phố tuyến biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm được gần 40.000 phương tiện, với gần 170.000 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh. Trong đó, khu vực ở giữa và Nam Biển Đông bao gồm quần đảo Trường Sa còn 302 phương tiện với hơn 4.000 người đang hoạt động trên biển; số phương tiện còn lại hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại bến.
Tính đến trưa 6/12, hầu hết dung tích các hồ chứa thủy lợi thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa mới chỉ đạt 50-70% dung tích thiết kế. Một số hồ chứa đạt dung tích ở mức cao là Kim Sơn (Hà Tĩnh) 101%; Sông Thai (Quảng Bình) 103 %: Khe Mây (Quảng Trị) 99%; Khe Tân (Quảng Nam ) 104%...
Các hồ chứa thuộc các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đã cơ bản đầy nước, một số hồ chứa có mực nước cao như: Đắk Yên (Kon Tum); Ia Hrung (Gia Lai); Dầu Tiếng (Tây Ninh), Gia Ui (Đồng Nai)...
Theo báo cáo nhanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (lúc 14h ngày 6/12), miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên có 16/17 hồ gần đạt mực nước dâng bình thường, trừ hồ Ka Nak đang ở mức thấp hơn; các hồ thủy điện khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (từ Quảng Nam trở vào) còn đang ở mức thấp, trừ hồ Vĩnh Sơn A, B, C gần mực nước dâng bình thường.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu cácbộ, ngành, địa phương không được chủ quan đối với cơn bão Hagupit, thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 33/CĐ-TW ngày 5/12 của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương; cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, kiểm đếm, nắm chắc thông tin về các phương tiện đang hoạt động trên biển để kêu gọi tránh trú bão an toàn.
Phó Thủ tướng lưu ý khả năng bão kết hợp với không khí lạnh sẽ gây ra đợt mưa rất lớn, do vậy cần kiểm tra, rà soát phương án bảo đảm an toàn hồ đập; đồng thời chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra các hồ chứa, quy trình vận hành các hồ chứa, có các biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu các địa phương tổ chức trực ban phòng chống lụt bão 24/24; tăng cường công tác tuyên truyền, cập nhật thông tin về bão Hagupit để triển khai các phương án phòng chống.
Thanh Tuấn