Cụ thể, tuyến cáp biển Liên Á (IA) mới phát hiện lỗi rò nguồn trên nhánh S1 đi Singapore. Đồng thời, sự cố trên hai tuyến cáp biển kết nối internet giữa châu Á và Mỹ (APG) và cáp biển kết nối châu Á – châu Phi - châu Âu (AAE-1) vẫn chưa được khắc phục. Việc có đến 3/5 tuyến cáp quang biển nối Việt Nam đi quốc tế gặp sự cố đã gây ảnh hưởng lớn đến lưu lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế.
Trong thời gian này, người dùng internet tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi truy cập vào các trang web, dịch vụ mạng có máy chủ đặt tại nước ngoài. Tuy nhiên, sự cố này không ảnh hưởng đến việc người dùng truy cập vào những trang web và dịch vụ đặt máy chủ tại Việt Nam.
Đến nay, lịch sửa chữa và thời điểm các tuyến cáp quang được khắc phục sự cố vẫn chưa được công bố. Các nhà cung cấp mạng tại Việt Nam đã triển khai nhiều phương án để đảm bảo kết nối internet của người dùng như: Chia sẻ lưu lượng giữa các tuyến cáp quang kết nối quốc tế; mở các kênh truy cập bổ sung; Tận dụng các tuyến cáp quang trên đất liền...
Việt Nam hiện có 5 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế gồm: AAG (châu Á - Mỹ); APG (châu Á - Thái Bình Dương); SMW-3 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu); IA (Liên Á) và AAE-1 (châu Á - châu Phi - châu Âu). Ngoài ra, còn một tuyến cáp quang với quy mô nhỏ hơn là TVH, có chiều dài chỉ 3.367 km, kết nối Thái Lan, Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc).
Bên cạnh các tuyến cáp quang biển, hiện vẫn còn một số tuyến cáp quang đất liền nối Việt Nam đi quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn lưu lượng kết nối internet từ Việt Nam đi quốc tế đều được truyền tải thông qua các tuyến cáp quang ngầm dưới biển.