Từ ngày 2/12, miền Trung và Tây Nguyên, miền Nam chỉ còn mưa rào và dông vài nơi.
Đêm 30/11, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Đắk Lắk tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-70mm, có nơi trên 100mm. Khu vực Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Nam Bộ và các khu vực khác ở Tây Nguyên có mưa, mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 80mm.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Trong ngày 30/11, tỉnh Phú Yên đã điều tiết xả lũ phù hợp để tránh ngập lụt sâu cho hạ du, tỉnh Đắk Lắk sẵn sàng di dời hơn 600 hộ dân khỏi vùng lòng hồ Krông Pách Thượng, tỉnh Gia Lai kịp thời hỗ trợ, di dời người dân vùng ngập lụt...
Trên biển, đêm 30/11 và ngày 1/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động, sóng biển cao từ 2-3m. Vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau và khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2-4m.
Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-5m. Từ ngày 1/12, vùng biển phía Tây của Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây của quần đảo Trường Sa) gió mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2-4m.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan có mưa rào và dông; vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau đêm 30/11 có mưa rào và dông, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh; từ ngày 1/12 mưa dông giảm.
Các chuyên gia khuyến cáo, ngư dân cần thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo thời tiết, đưa tàu, thuyền đang hoạt động trong vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn. Người dân đề phòng dông sét cũng như lũ và sạt lở đất, xử lý thích hợp tránh được rủi ro không mong muốn, giảm thiểu mất mát cho con người cũng như thiệt hại về tài sản.
Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại ở vùng núi, chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, nhất là người già, trẻ nhỏ. Các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, chủ động dự trữ thức ăn đảm bảo phòng, chống đói, rét; sẵn sàng phương án di chuyển gia súc chăn thả tự do về chuồng nuôi nhốt.